Việc Đắk Nông triển khai “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn” góp phần nâng cao chất lượng hành chính công, phát huy tối đa hiệu quả TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC...
Theo báo cáo Sở Nội vụ, sau 01 năm triển khai nhân rộng sáng kiến cải cách hành chính (CCHC) “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cho thấy, tổng số hồ sơ cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong “Ngày không hẹn” từ ngày 15/10/2023 -30/10/2024 là 15.696 hồ sơ, trong đó: Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất 5.089 hồ sơ; Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất 5.369 hồ sơ; Đăng ký thành lập hộ kinh doanh 1.055 hồ sơ; Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Không phải xác minh hồ sơ) 4.456 hồ sơ.
Tổng số hồ sơ cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC trong “Ngày không viết” là 4.868 hồ sơ, trong đó: Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: 0 hồ sơ; Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: 0 hồ sơ; Đăng ký thành lập hộ kinh doanh 790 hồ sơ; Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Không phải xác minh hồ sơ) 4.078 hồ sơ.
Triển khai đồng bộ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông cho biết, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 580/KH-UBND ngày 08/9/2023,về triển khai nhân rộng sáng kiến cải cách hành chính (CCHC) “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, các địa phương đã tiến hành xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, đúng trọng tâm các nội dung của Kế hoạch đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Đồng thời, các địa phương bố trí cơ sở vật chất tại Bộ phận Một cửa UBND cấp huyện, cấp xã; cử CBCCVC có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp; phối hợp với Đoàn thanh niên cơ sở để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho người dân, tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện mô hình sáng kiến. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện hiệu quả các TTHC đưa vào áp dụng; hướng dẫn người dân, tổ chức khi đến thực hiện các TTHC.
Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thực hiện tuyên truyền mô hình sáng kiến đến CBCCVC và nhân dân trên địa bàn được biết thực hiện. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Triển khai văn bản; trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh; đăng tin, bài, phóng sự trên Trang thông tin điện tử của địa phương, niêm yết, công khai TTHC (bằng mã QR code) tại Bộ phận Một cửa; qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook…
Bên cạnh đó, CBCCVC thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa các cấp tích cực tuyên truyền cho người dân, tổ chức khi đến giải quyết TTHC; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân, tổ chức cách thức tra cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong ngày triển khai mô hình. UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thành lập các Tổ hỗ trợ hướng dẫn người dân, tổ chức khi đến thực hiện TTHC.
“Đặc biệt, đối với công tác kiểm tra, hướng dẫn, Sở Nội vụ ban hành công văn hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình sáng kiến. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện; hàng tuần tổng hợp kết quả giải quyết TTHC cũng như các khó khăn, vướng mắc của các địa phương để kịp thời phối hợp tháo gỡ. Công tác kiểm tra được lồng ghép vào trong kiểm tra liên ngành CCHC; kiểm tra công vụ; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, văn hóa, đạo đức công vụ; kiểm tra chính quyền cơ sở”, bà Hường nhấn mạnh.
Phát huy hiệu quả
Thực tế, báo cáo Sở Nội vụ ghi nhận, một số địa phương mạnh dạn áp dụng thêm ngày, thêm TTHC đối với mô hình sáng kiến như: UBND huyện Đắk Song áp dụng 02 ngày/tuần; UBND huyện Đắk Mil áp dụng thêm TTHC đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh; UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức áp dụng thêm TTHC đăng ký kết hôn (đối với trường hợp không phải xác minh).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được sau hơn 01 năm triển khai thực hiện sáng kiến “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn”, bà Hường nhìn nhận, công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện mô hình đã được triển khai bằng nhiều hình thức nhưng hiệu quả vẫn chưa cao; tỷ lệ người dân, tổ chức biết và đến thực hiện TTHC ngày áp dụng mô hình sáng kiến chưa nhiều.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại Bộ phận Một cửa của UBND một số huyện, thành phố; một số xã, phường, thị trấn đã xuống cấp, chưa được đầu tư; lực lượng hỗ trợ tại Bộ phận Một cửa UBND cấp huyện, cấp xã còn thiếu; đôi lúc lãnh đạo tham gia các cuộc họp chưa thực hiện tốt việc ủy quyền, ảnh hướng đến thời gian trả kết quả giải quyết TTHC.
Để mô hình sáng kiến tiếp tục được nhân rộng, áp dụng hiệu quả trong thời gian tới, bà Hường đề xuất, UBND tỉnh giao Sở tiếp thu ý kiến, đề xuất của các địa phương tiếp tục chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, thay thế Kế hoạch số 580/KH-UBND, theo hướng bổ sung thêm ngày áp dụng (đảm bảo ít nhất 02 ngày/01 tuần); phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị, địa phương nghiên cứu, rà soát, bổ sung thêm TTHC áp dụng mô hình sáng kiến.
Thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện mô hình sáng kiến tại các địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh, bổ sung, ngày càng nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình sáng kiến.
Mặt khác, tỉnh giao Sở TT&TT, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền công tác CCHC gắn với thực hiện mô hình sáng kiến. Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội (qua zalo, facebook…) để người dân, tổ chức nắm bắt thực hiện. Đồng thời chỉ đạo giải quyết, cập nhật đầy đủ kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống phần mềm một cửa điện tử dịch vụ công trực tuyến.
Các Sở, ban, ngành, chủ trì, thường xuyên rà soát, theo dõi các danh mục TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để kịp thời tham mưu UBND công bố khi có sự thay đổi; đồng thời theo dõi kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC đối với các danh mục TTHC được áp dụng mô hình sáng kiến, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để xem xét, chỉ đạo xử lý.
“UBND các huyện, thành phố, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho CBCCVC các địa phương để triển khai thực hiện mô hình sáng kiến hiệu quả; Bố trí kinh phí để mua trang thiết bị, cơ sở vật chất tại Bộ phận Một cửa UBND cấp huyện, cấp xã; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống phần mềm công nghệ thông tin để hỗ trợ thực hiện TTHC đạt hiệu quả cao; Phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường đưa tin, viết bài để tuyên truyền người dân được biết thực hiện mô hình”, bà Hường đề xuất.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai mô hình sáng kiến đến toàn thể CBCCVC thuộc phạm vi quản lý, nhất là CBCCVC tại Bộ phận Một cửa; niêm yết, công khai danh mục TTHC tại Bộ phận Một cửa, trên Trang thông tin điện tử và niêm yết bằng mã QR-Code. Tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức phù hợp để người dân, tổ chức được biết, thực hiện. Tổ chức kiểm tra UBND cấp xã triển khai thực hiện các nội dung của mô hình sáng kiến; Tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả; lưu hồ sơ, thống kê báo cáo kết quả thực hiện. Đồng thời thường xuyên khảo sát lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.