Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã thực hiện hàng loạt biện pháp đấu tranh với nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ uy tín ngành cà phê tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Mạnh tay với kẻ buôn bán hàng giả
Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị này vừa có hai quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam hai đối tượng chuyên sản xuất cà phê bột giả để để điều tra, làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự. Các quyết định nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Đối tượng bị khởi tố là Nguyễn Thanh Sỹ (SN 1979) trú tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, cũng là Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Cà phê Trần Tiến.
Ngày 12/6, Công an tỉnh Đắk Nông kiểm tra và phát hiện trên xe ô tô do Nguyễn Thanh Sỹ làm chủ có gần 1.200 gói cà phê bột các loại với khối lượng gần 600 kg. Toàn bộ cà phê bột này đều do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất thương mại Cà phê Trần Tiến sản xuất.
Nghi ngờ có dấu hiệu giả mạo, Công an tỉnh Đắk Nông đã lấy mẫu cà phê gửi đi giám định. Kết quả giám định cho thấy sản phẩm Nguyễn Thanh Sỹ đem bán ra thị trường không có hàm lượng cafein, không phù hợp với chất lượng sản phẩm ghi trên bao bì hàng hóa cũng như tiêu chuẩn quốc gia về cà phê bột.
Trước đó, ngày 7/6/2024, Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang hoạt động sản xuất cà phê bột giả tại địa điểm sản xuất, chế biến cà phê bột thuộc Thôn 7, xã Nam Bình (huyện Đắk Song) do đối tượng Trần Văn Đồng, 39 tuổi làm chủ. Tại đây lực lượng chức năng đã thu giữ 329 gói cà phê bột với tổng khối lượng gần 170 kg. Mở rộng điều tra, Công an Đắk Nông thu giữ thêm 63 gói cà phê bột với tổng khối lượng hơn 30 kg.
Kết quả giám định cũng cho thấy, sản phẩm sản xuất tại đây không có hàm lượng cafein, không phù hợp với chất lượng sản phẩm ghi trên bao bì hàng hóa cũng như tiêu chuẩn quốc gia về cà phê bột.
Gia tăng niềm tin
Tỉnh Đắk Nông là một trong những tỉnh phát hiện được hành vi buôn bán và sản xuất cà phê giả tương đối nhiều. Trước đây cả nước đã rúng động với cà phê pin ở địa phương này gây hoang mang trong người tiêu dùng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành cà phê Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung.
Do đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động, tích cực đấu tranh ngăn chặn, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hiện nay, sản lượng ngành cà phê tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên, việc đấu tranh với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng của chính quyền, các ngành các cấp sẽ mang lại niềm tin cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh, người làm ăn chân chính. Với vai trò là nhà đầu tư chế biến sâu trong ngành hàng cà phê, ông Lê Văn Vương nhận xét: “Việc xử lý sản xuất cà phê giả của tỉnh Đắk Nông, sẽ đem lại niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến đây, đồng thời đây cũng là giải pháp bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình phát triển”.
Cơ quan chức năng xác định, hàng giả sau sản xuất được các đối tượng tuồn vào vùng sâu, vùng xa, những nơi có kinh tế kém phát triển và đời sống người dân ưa chuộng hàng giá rẻ. Từ thực tế này, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Nông cũng đã lên những kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra giúp sớm phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, đấu tranh với các hành vi trục lợi từ người tiêu dùng, và gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cở sở sản xuất trong ngành hàng này.