Hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.200 tỷ đồng nợ xấu đó là số tiền người dân tỉnh Gia Lai vay đổ vào cây hồ tiêu.
Hệ lụy hậu “cơn lốc vàng đen” để lại thì không thể đóng đếm và để vượt qua cơn bĩ cực nhiều người dân đã bỏ ruộng, ly hương, trốn nợ. Hồ tiêu một thời được ví như “vàng đen” mang lại cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho nhiều nông dân khắp buôn làng Tây Nguyên.
Cuối năm 2016, hạn hán, dịch bệnh cùng với giá hồ tiêu lao dốc đã đẩy người trồng tiêu vào cảnh tan cửa nát nhà. Chỉ tính riêng “thủ phủ” hồ tiêu Gia Lai người dân đã vay hơn 4.300 tỷ đồng đổ vào cây hồ tiêu, hệ quả để lại đến nay các ngân hàng đang phải gánh khoản nợ xấu trên 2.200 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
06:06, 25/04/2019
15:10, 23/04/2019
06:06, 12/04/2019
04:09, 11/04/2019
14:32, 02/04/2019
15:30, 17/01/2019
06:06, 19/12/2018
11:45, 17/12/2018
Nợ nần như chúa chổm, hạn hán mất mùa, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, mía… lao dốc không phanh, nhiều nông dân không còn tha thiết ruộng rẫy, bỏ xứ tìm kế sinh nhai. Nhiều buôn làng tại Gia Lai giờ chỉ toàn người già, trẻ nhỏ những người trong độ tuổi lao động gồng gánh đồ đạc đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh làm phụ hồ, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.
Tại huyện Chư Pứh một thời là “cái rốn” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai, nhiều nông dân nhanh chóng thành tỷ phú, tậu được xe hơi, xây nhà tiền tỷ, còn nay cũng bỗng chốc trở thành con nợ. Một thống kê chưa đầy đủ tại huyện Chư Pứh, dòng người bỏ xứ đi làm ăn xa tính đến tháng 3/2019 là trên 4.500 người. Một cán bộ xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay công việc tại xã chủ yếu đóng dấu xác minh lý lịch và làm tạm trú cho người dân đi làm ăn xa.
Nhiều nông dân trăn trở than phiền, nếu không đi làm ăn xa thì ở quê cũng chẳng biết làm gì, nhiều hộ gia đình lâm cảnh không ruộng vườn, nhà cửa, không việc làm, bỏ xứ để trốn tránh nợ. Có hộ cố bám trụ cũng khó vượt qua cơn bĩ cực khi chẳng biết trồng cây gì, nuôi con gì và cũng không vốn liếng để chuyển đổi cây trồng từ những diện tích hồ tiêu chết trắng.
Để trấn an người dân, tại buổi họp báo quý I cuối tháng 3 vừa qua, Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tại Gia Lai Nguyễn Văn Cư đã kêu gọi người dân đã đi “biệt xứ” vì hồ tiêu quay trở lại quê nhà sản xuất, bên phía ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng người dân.
Tuy nhiên, nếu người dân có trở về quê hương họ không chỉ thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, nhiều hộ dân còn mất hết nhà cửa để tá túc và với họ quan trọng nhất vẫn là bài toán sinh kế. Và nếu chính quyền tỉnh Gia Lai không có những kế sách phù hợp, thiết thực thì “cơn lốc” di dân sẽ ngày một tăng, điều đó không chỉ gây áp lực cho các đô thị lớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của địa phương.