“Người dân giám sát trạm BOT là điều đáng mừng”

Minh Vân 05/03/2019 06:16

Đó là khẳng định của Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh trước việc một nhóm người dựng lán trại, cử người ngồi kiểm đếm lượt xe qua trạm BOT Ninh Lộc.

Cho rằng Trạm thu phí BOT Ninh Lộc báo cáo chưa chính xác để nâng thời hạn thu phí quốc lộ 1, một nhóm người dựng lán trại, cử người ngồi kiểm đếm lượt xe.

Có thể bạn quan tâm

  • Khánh Hòa: Vì sao người dân lập chốt, đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc?

    10:00, 01/03/2019

  • Bộ GTVT thống nhất miễn, giảm giá vé qua trạm BOT Ninh Lộc

    17:32, 10/05/2018

  • Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc ra “điều kiện” với Bộ Giao thông - Vận tải

    15:49, 04/05/2018

  • Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị sớm ổn định trật tự tại trạm BOT Ninh Lộc

    01:52, 04/05/2018

Người dân đã ý thức hơn quyền làm chủ của mình

Bình luận về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định sự việc này cho thấy người dân đã ý thức được quyền làm chủ của mình và là một hình thức kiểm tra chéo đối với các thiết chế chức năng có sẵn.

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, công dân có quyền được làm những gì pháp luật không cấm là điều đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp.

“Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng. Theo đó, sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư BOT không quy định cụ thể người dân có quyền giám sát BOT hay không. Tuy nhiên, công dân có quyền được làm những gì pháp luật không cấm là điều đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp”, ông Hùng khẳng định.

Nhóm đếm xe chia nhau thực hiện theo 3 ca, 24/24 giờ. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Người dân chia nhau đếm số lượng xe qua lại tại trạm BOT Ninh Lộc. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Dẫn chứng các quy định của pháp luật, ông Hùng cho hay, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Cùng với đó, theo quy định tại Điều 28: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Như vậy, ông Hùng cho rằng việc người dân giám sát BOT không những không hề vi phạm pháp luật mà họ còn đang thực hiện quyền của một công dân. Đồng thời xét về việc giám sát, công dân là người có quyền giám sát cao nhất trong mọi hoạt động tư pháp, hành chính, kinh tế; quyền giám sát của các hoạt động cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, không có bất kì cơ quan hay người có thẩm quyền nào có quyền ngăn cấm quyền của công dân, trừ trường hợp đó là hành vi pháp luật cấm.

“Hầu như trước đây người dân rất ít quan tâm đến các hoạt động của nhà nước, nhất là trong hoạt động tham gia đóng góp ý kiến và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, nếu có thì cũng không có hoạt động cụ thể. Vì vậy việc người dân tiến hành giám sát BOT độc lập với cơ quan chức năng là một điều đáng mừng.

Điều này thể hiện sự quan tâm của công dân đối với đất nước, nhất là với tình hình hoạt động của các dự án BOT ngày càng có nhiều điều bất cập trong việc tổ chức xây dựng và hoạt động, tổ chức mức phí thu, thời gian thu… không được công khai và minh bạch một cách rõ ràng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc cho người dân”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, việc giám sát của người dân mặt khác cũng là một phương pháp giúp cơ quan nhà nước chú ý hơn vào việc quản lý các trạm BOT mà trước đây có sự quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng lạm dụng các của chủ đầu tư, như việc gian lận trong thu phí BOT.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng đưa ra khuyến cáo rằng, trong quá trình giám sát hoạt động, người dân chỉ nên làm những gì pháp luật không cấm, tránh những hành vi vi phạm pháp luật như lấn chiếm đất, lề đường... bởi vì các hoạt động gây cản trở hoạt động giao thông như gây ùn tắc, hay là các hoạt động làm cản trở các trạm BOT, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cần tránh sự xung đột với các nhân viên thu phí…

Người dân giám sát sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự của trạm, tâm lý nhân viên

Trước đó, trả lời báo chí, đại diện trạm BOT Ninh Lộc, ông Vũ Hải Long - phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả Khánh Hòa - cho rằng việc người dân giám sát ảnh hưởng đến an ninh trật tự của trạm, tâm lý nhân viên, tâm lý lái xe và an toàn giao thông khu vực trạm.

“Chúng tôi rất khuyến khích người dân thực hiện công tác kiểm soát. Nhưng việc đếm xe trong trạm thu phí thì tôi không đồng ý. Vì nó ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực trạm. Chúng tôi không thể biết trước người tốt, người xấu trong nhóm người này. Họ có thể lợi dụng việc đó, kiểm soát giờ giấc của nhân viên, cách thức hoạt động của trạm”, ông Long bày tỏ.

Đại diện BOT Ninh Lộc cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã yêu cầu họ đi ra khỏi phạm vi nhưng họ không đồng ý. Chúng tôi đã báo cơ quan chức năng nhưng cơ quan chức năng cho rằng đây là việc của trạm. Tôi nghĩ là không phù hợp lắm vì nó liên quan đến an toàn tài sản của doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động theo đúng luật, sao lại không đưa họ ra khỏi phạm vi trạm”.

Trạm thu phí Ninh Lộc (tại vị trí km1425+200 quốc lộ 1, thuộc xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) được Công ty cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 1 đoạn km1374+525 - km1392 và đoạn km1405 - km1425+500 qua tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Người dân giám sát trạm BOT là điều đáng mừng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO