Dần giảm tốc, CPI có thể đạt mục tiêu

HOÀI ANH 02/08/2020 00:30

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang dần có dấu hiệu “hạ nhiệt” và mục tiêu kiềm chế CPI dưới 4% cho cả năm nay có thể đạt được.

Theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), tháng 7, CPI cả nước tăng 0,4% so với tháng trước đó. Trong đó nhóm có mức tăng cao là giao thông, nhà ở, vật liệu xây dựng do tác động của giá xăng dầu, gas, nhu cầu sử dụng điện nước… tăng. CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 4,07%.

Như vậy, CPI đang có xu hướng giảm dần. Nếu như CPI bình quân tháng 1/2020 tăng tới 6,54%, đến 6 tháng đã giảm xuống 4,19%, và tháng 7 đã dần tiệm cận mục tiêu Quốc hội giao (dưới 4%). Nguyên nhân CPI dần giảm tốc do nguồn cung tăng do đang vào mùa thu hoạch, cộng với nhu cầu thị trường thế giới giảm nên giá gạo xuất khẩu giảm từ 470 USD xuống 450 USD/tấn; giá thịt lợn giảm nhẹ do lợn nhập khẩu tăng; giá thủy sản ở mức thấp do khó khăn trong xuất khẩu…

“CPI tháng 8 sẽ tăng nhẹ do giá xăng dầu, gas, điện tăng do nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên giá thịt lợn được kỳ vọng sẽ dần giảm sâu hơn do nguồn cung tiếp tục được bù đắp bởi nguồn thịt nhập khẩu tăng… Nhìn chung, CPI 8 tháng đầu năm dự báo tăng thấp hơn 7 tháng đầu năm 2020 và lạm phát bình quân có khả năng đạt dưới 4% như mục tiêu Quốc hội giao” - Vụ Thống kê giá nhận định.

Bà Phùng Ánh Ngọc - Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính chia sẻ thêm, thời gian qua, việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu có sự phối hợp chặt chẽ của Liên Bộ Công Thương – Tài chính. Việc sử dụng linh hoạt công cụ điều hành giá, giảm trích lập và tăng chi sử dụng đã giúp ổn định xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao.

Với tình trạng biến động giá sách giáo khoa, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào diện bình ổn giá, trình Quốc hội. Với thịt lợn, dưới chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ngành nhằm tăng cường nguồn cung nhờ nhập khẩu, giá đã có xu hướng giảm, dù mức giảm chưa đáng kể.

“Để đảm bảo CPI cả năm, dư địa điều hành CPI từ nay đến cuối năm là 0,63%/tháng. Đây là dư địa có thể đạt được” – bà Phùng Ánh Ngọc cho hay.

 Đảm bảo cung cầu hàng hóa để tránh ảnh hưởng đến CPI

Đảm bảo cung cầu hàng hóa để tránh ảnh hưởng đến CPI

Theo nhận định của các chuyên gia, thịt lợn sẽ là mặt hàng có tác động lớn đến CPI những tháng cuối năm và CPI sẽ đạt được nếu kiểm soát tốt giá mặt hàng này. Ông Phạm Văn Duy - Cục Chế biến phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, để kéo giá thịt lợn xuống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng nhập khẩu lợn sống từ thị trường Thái Lan.

Hơn 1 tháng nay, lượng nhập khẩu thịt sống về đã đạt 51.000 – 52.000 con, tương đương 6.000 – 7.000 tấn thịt lợn. Hiện doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện 8 hợp đồng nhập khẩu và sắp tới sẽ nhập khoảng 1 triệu con về nước, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ông Phạm Văn Duy chia sẻ thêm, cùng với lợn thương phẩm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu thêm 15.500 con giống, tăng tới 400% so với thời kỳ đỉnh cao là năm 2018 để chuẩn bị công tác tái đàn, chuẩn bị sẵn nguồn cung cho thị trường nội địa.

Đánh giá cao nỗ lực của các Bộ ngành, Hiệp hội trong việc kiềm chế đà tăng của CPI, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, CPI tháng 7 tăng nhẹ khiến CPI bình quân 7 tháng tiếp tục giảm, tạo tiền đề quan trọng cho thực hiện CPI cả năm nay.

Nhìn chung, chính sách liên quan điều hành giá thời gian qua tương đối phù hợp, kể cả các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như xăng dầu, sách giáo khoa.

“Liên quan đến xăng dầu, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá quốc gia đã đánh giá tốt công tác điều hành của liên bộ Công Thương – Tài chính khi đã điều hành linh hoạt, tăng cường trích quỹ bình ổn khi dịch Covid-19 bùng phát và khi nền kinh tế bước đầu phục hồi đã tăng chi để giảm mức tăng, tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng” – Thứ trưởng Hải chia sẻ.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ, căn cứ theo các kịch bản đã đề ra, xem xét các yếu tố biến động mới của thị trường để tiếp tục triển khai các giải pháp sẵn sàng đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo ổn định thị trường, không để thiếu hàng, sốt giá, ảnh hưởng đến CPI.

Có thể bạn quan tâm

  • CPI tháng 7 tăng 0,4%: Thách thức mục tiêu năm 2020

    CPI tháng 7 tăng 0,4%: Thách thức mục tiêu năm 2020

    13:00, 29/07/2020

  • CPI tháng 5 tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020

    CPI tháng 5 tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020

    16:00, 29/05/2020

  • CPI những tháng tới sẽ ra sao?

    CPI những tháng tới sẽ ra sao?

    11:00, 04/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dần giảm tốc, CPI có thể đạt mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO