Việc xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ hợp chuẩn người Hồi giáo (Halal) nhiều hấp dẫn, hàng rào kỹ thuật không quá khắt khe. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ thị trường.
Theo đánh giá của VCCI, nền công nghiệp Halal dự báo sẽ có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021. Trong số các nước Hồi giáo, phải kể đến một số thị trường trọng điểm cho hàng Việt như: UAE, Kuwait, Malaysia, Indonesia…
Vì sao nông sản Việt khó cạnh tranh?
Đơn cử như thị trường UAE, một thị trường có tiềm năng rất lớn cho hàng hoá “made in Vietnam”. Trong số các mặt hàng VN XK sang UAE, mạnh nhất vẫn là các sản phẩm điện tử, điện máy của Samsung, tiếp đó là các mặt hàng nông sản, thủy sản, giầy da, may mặc, phụ kiện, máy tính…
Ông Phạm Bình Đàm, nguyên Đại sứ VN tại UAE nói rằng, UAE không chỉ là một thị trường mà quan trọng hơn còn là một cửa ngõ để hàng hóa VN trung chuyển đi khắp nơi trên thế giới.
Theo ông Đàm, nhiều mặt hàng nông sản, rau quả tươi và thực phẩm chế biến của Việt Nam đã vào được UAE. Chẳng hạn như Vinamilk, quả Thanh Long hiện đang hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường, chuối VN thử nghiệm rất tốt và ngon hơn hẳn so với Philipines, quả dứa cũng rất tiềm năng nhưng có một chút kỹ thuật phải xử lý thêm… Ngoài ra, thủy sản cũng đang XK rất tốt.
Dù vậy nhưng trên thực tế, rau quả của VN XK sang thị trường UAE đang có sự cạnh tranh rất gay gắt với Thái Lan, Trung Quốc… cả về thương hiệu và chất lượng. Rõ ràng, ở tầm quốc gia chúng ta đang bị “hụt” so với Thái Lan về thương hiệu. Chính vì vậy, tiếng là tiềm năng nhưng thị phần hàng Việt tại nhiều thị trường Hồi giáo còn rất khiêm tốn. Ngay tại thị trường UAE, kim ngạch nhập khẩu của UAE năm 2017 khoảng 265 tỷ USD. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang đây năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần.
Cách đây 3 năm, Thái Lan đã quyết định đầu tư 230 triệu USD nhằm cải thiện chất lượng thực phẩm chuẩn Halal cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Kết quả là hiện xuất khẩu các sản phẩm Halal của Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 5 thế giới, tới 57 quốc gia, với tổng giá trị đạt 5 tỷ USD.
Làm gì để có giấy chứng nhận Halal
Để tiếp cận thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp Việt cần phải làm tốt nếu muốn đưa các sán phẩm chuẩn Halal vào các thị trường Hồi giáo. Chẳng hạn giấy chứng nhận Halal, đây là một giấy thông hành buộc phải có nếu các sản phẩm muốn vào được thị trường này.
Chẳng hạn, để xuất khẩu sang Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), bắt buộc đơn vị làm chứng nhận Halal phải được công nhận bởi cơ quan công nhận của GCC là GAC. Riêng nhóm 7 nước thuộc Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) thì các đơn vị chứng nhận phải được sự công nhận của ESMA - cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng của UAE, thì giấy chứng nhận Halal mới được phép xuất khẩu vào các thị trường này.
Ngay tại khu vực ASEAN, các quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia… dù cùng một tổ chức ASEAN nhưng tiêu chuẩn hàng hoá vào các quốc gia này cũng không giống nhau, bởi mỗi quốc gia Hồi giáo đều có tiêu chuẩn tôn giáo riêng cũng như tiêu chuẩn Halal riêng nên muốn XK hàng hoá vào hai thị trường này buộc các doanh nghiệp phải làm các giấy chứng nhận khác nhau. Cả Malaysia, Indonesia chưa công nhận tiêu chuẩn Halal lẫn nhau nên phần nào gây khó cho các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.
Như vậy, để vào được thị trường Halal, các sản phẩm Việt bên cạnh tìm hiểu thị trường, phong tục, tập quán, văn hoá… thì việc làm sao đảm bảo các tiêu chuẩn Halal là chuyện không hề đơn giản.