Sau đề xuất mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ tại ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề nghị tạm hoãn thoái vốn tại doanh nghiệp này.
Lý giải cho quan điểm này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, qua theo dõi tình hình hoạt động của ACV sau cổ phần hóa, Ủy ban nhận thấy đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, vận hành khai thác các khu bay.
Do đó, việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại ACV là chưa phù hợp giai đoạn này.
Theo phân tích của các chuyên gia, điều này cho thấy Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán cơ chế quản lý, khai thác vận hành khu bay - các tài sản về danh nghĩa và trên quy định luật pháp là “công”, nhưng thực chất vẫn thuộc doanh nghiệp quản lý, do doanh nghiệp vận hành.
Sự lúng túng này đã được thể hiện rõ trong thời gian qua khi Ủy ban liên tiếp đề xuất Chính phủ có các giải pháp gỡ vướng cho hàng loạt đại dự án, trong đó có các vấn đề của ACV.
Một trong những vướng mắc lớn nhất của ACV hiện nay là các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp khu bay của ACV hầu như đang ách tắc do cơ chế quản lý tài sản công đối với khu bay gồm đường băng, đường lăn của 22 cảng hàng không hiện hành không được đưa vào giá trị cổ phần hóa ACV.
Trong điều kiện ngân sách chưa thể bố trí được, việc đầu tư cải tạo một số công trình cấp bách như hai đường băng 1A Nội Bài và 25R Tân Sơn Nhất không thể thực hiện, trong khi hai đường băng đã xuống cấp nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay.
Tuy nhiên, cơ chế hiện hành chưa cho phép ACV sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp để thực hiện dự án như trước khi cổ phần hóa, trong khi vẫn phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh bay.
Ðó là chưa kể vướng mắc về thủ tục ra quyết định đầu tư, thẩm quyền đầu tư của doanh nghiệp đang là những rào cản khiến các dự án đầu tư cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay đang trình của ACV rơi vào bế tắc.
Theo đó, trong khi Luật Hàng không dân dụng quy định doanh nghiệp cảng quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay, có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình công cộng hạ tầng tại cảng hàng không sân bay, song quyền đầu tư mở rộng các công trình mang tính thương mại như nhà ga thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp lại phải theo đúng quy hoạch của nhà nước.
Ðây chính là nguồn cơn khiến cả Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đành phải tính đến giải pháp đưa ACV trở lại thành doanh nghiệp nhà nước, để có thể hóa giải được các ách tắc hiện nay, cũng như đảm bảo cao nhất về quốc phòng an ninh cho hoạt động hàng không.
Theo kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1232 và Quyết định 1001/2017/QÐ-TTg về phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020, ACV là một trong ba doanh nghiệp trực thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện thoái 20% vốn điều lệ vào năm 2018 và 10,4% vốn điều lệ vào năm 2020.
Tổng cộng tỷ lệ thoái là 30,4% vốn nhà nước đến hết năm 2020. Nếu thực hiện theo đúng kế hoạch này, tỷ lệ vốn nhà nước tại ACV sau năm 2020 là 65%.
Cuối năm 2017, ACV từng có báo cáo gửi Bộ Giao thông - Vận tải về phương án bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong năm 2018, bộ này cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cổ phần hóa và lộ trình thoái vốn tại ACV, trong đó có kiến nghị triển khai cả hai giai đoạn cổ phần hóa và thoái vốn vào năm 2020.
Vào đầu năm nay, lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước tại ACV để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Ðộng thái này từ Chính phủ đã được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Báo cáo gần đây của ACV cũng cho thấy rất nhiều quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm tìm hiểu lộ trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.