Lâu lâu, báo chí lại phanh phui những “bom tấn”, “bom tỉ” liên quan đến ngành giáo dục khiến cho giáo dục chưa bao giờ hết “nóng”.
Báo Lao động Online ngày 15/11 có đăng tải bài viết “Tiền tỉ chống trượt” trong đó có nguồn tin: “Ở buổi thi sáng đợt thi cuối tháng 9/2018, tra cứu kết quả ngẫu nhiên của 50 sinh viên cho thấy, tất cả đều đạt với điểm số cao. Các sinh viên hồ hởi giải thích, là bởi họ đã đóng tiền gói “chống trượt” trị giá 1,9 triệu đồng, kèm phí thi 280.000 đồng, tổng cộng 2.180.000 đồng”.
Theo đó, cái gọi là “Gói thi chống trượt” đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên muốn ra trường phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 tương đương 450 điểm TOEIC. Chưa bàn đến việc trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ hay không, nhưng trên thực tế, đại đa số sinh viên trường này, họ buộc phải vượt qua kỳ thi nếu muốn được xét tốt nghiệp.
Yêu cầu khắt khe là vậy nhưng có điều lạ, tỉ lệ thi trượt tại các đợt thi cấp chứng chỉ lại thấp ở mức đáng kinh ngạc. Bởi vì đề thi “Giống hết, giống hết trong cái đề hôm cuối đi học cô cho đấy. Giống đến 70 – 80%. Đi thi này là thi diễn, sinh viên diễn, thầy cô diễn, xem ai diễn giỏi hơn mà thôi” – một sinh viên nói.
Có thể bạn quan tâm
13:04, 15/11/2018
09:16, 06/11/2018
05:05, 06/11/2018
12:05, 01/11/2018
05:00, 01/11/2018
11:09, 26/10/2018
Song song, mang trong mình chức danh giảng viên, nhưng cô giáo lại “Vẽ đường cho hươu chạy” bằng cách bán đề thi lấy điểm: “Tôi cho mọi người topic là có lý do. Có cái đó của tôi thì tôi biết là sinh viên mình tôi chấm kiểu khác, còn những thằng nào không viết topic đấy tôi chấm kiểu khác. Hiểu chưa? Hiểu quan điểm của nhau đúng không ạ? Thế cho nên những sinh viên mình thì mình ưu tiên hơn, còn những thằng nào không ấy thì kệ”.
Chắc chắn việc “chống trượt” này không phải là việc tự phát, đơn lẻ do một số cá nhân thực hiện. Nó phải là sản phẩm của cả một nhóm người, của cả một tập thể. Chỉ có vậy, đường dây “chống trượt” mới có thể trơn tru hoạt động trong một thời gian dài như vậy. Thử hỏi qua đó người ta dạy sinh viên điều gì? Có lẽ, đó chính là sự gian dối, thực dụng và ham mê vật chất đang len lỏi vào ngành giáo dục ngày một phổ biến hơn.
Người ta nói “ở trong chăn mới biết chăn có rận” và cá nhân người viết chắc chắn rằng, chuyện “chống trượt” không chỉ diễn ra ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, mà nó có ở hầu hết các Trường, chỉ là tiêu cực đó chưa bị phát hiện, phanh phui mà thôi. Và không chỉ riêng môn ngoại ngữ, các môn học khác cũng phổ biến, mà càng học cao (cao học, nghiên cứu sinh) càng có nhiều tiêu cực, vì đa phần các học viên là cán bộ đi học để lấy bằng nhằm cùng cố vị trí, thậm chí có những học viên nữ còn “đổi tình lấy điểm” cũng là chuyện bình thường.
Qua sự việc này, một lần nữa câu chuyện đạo đức người thầy được “hâm nóng”. Vì đồng tiền mà một số người thầy đã bán đi lương tâm, trở nên vô cảm với những học sinh không chịu chạy chọt, không chịu a dua nịnh hót, không chịu đi “mua điểm” ở chỗ của mình.
Vì đồng tiền mà những người thầy kia trở nên lạnh nhạt, thờ ơ, vô cảm với học sinh với học sinh, sinh viên. Vì lợi ích vật chất mà thầy không còn là thầy, thầy trở thành những “con buôn” chính thống. Giá trị của người thầy trở nên rẻ rúng đến đáng thương. Đây có lẽ là một trong những nguyên do chính dẫn đến việc quan hệ thầy trò có dấu hiệu bị rạn nứt.
Thế mới nói, từ “mua chức bán quyền”, từ lạm thu tiền học, đến “buôn bằng bán điểm” mới được phanh phui..v..v. Rất nhiều, rất nhiều những vấn đề nhức nhối. Và trong không khí của ngày “Hiến chương nhà giáo Việt Nam” đang đến gần, tiêu cực của ngành giáo dục bị “đăng đàn” đúng là một sự xấu hổ lớn.