Việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6%-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022.
>>>Quốc hội phê duyệt mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 3,7% GDP
Chiều 12/11, với 94,59% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.
Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ở mức 6-6,5%.
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Về ý kiến đề nghị cần xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau, đặt mục tiêu cao hơn đối với chỉ tiêu lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ bội chi lên 5% GDP...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh cho biết, UBTVQH cùng với Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung cân đối ngân sách và bội chi, sẽ sớm trình Quốc hội xem xét.
Việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%...
Nghị quyết cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.
Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Có thể bạn quan tâm
13:06, 12/11/2021
11:00, 12/11/2021
09:40, 12/11/2021