Câu chuyện đặt tên đường hai giáo sĩ có công với chữ Quốc ngữ đang gây nhiều ý kiến trái chiều, tranh cãi nảy lửa, cho dù ngay ở TP HCM đã có đường mang tên Alexandre de Rhodes.
Dự định lấy tên hai giáo sĩ Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp) - những người đã góp công hình thành chữ Quốc ngữ - để đặt tên đường của TP Đà Nẵng vừa phải “gác” lại.
Nguyên do là, có ý kiến phản biện của nhóm nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử do PGS.TS Lê Cung, Trường Đại học Sư phạm Huế (Đại học Huế) đại diện.
Chân dung Alexandre de Rhodes.
Vì sao phản đối?
Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết cơ quan này đã dừng việc đưa tên 2 giáo sĩ có công hình thành chữ quốc ngữ là Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp) vào đề án đặt, đổi tên đường trên địa bàn.
Theo ông Hùng, việc dừng đưa tên 2 giáo sĩ này vào đề án đặt, đổi tên đường là do có nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, khi ban hành đề án và lấy ý kiến, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã tiếp nhận hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối từ nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử.
Trong khi đó, Nghị định 91 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt, đổi tên đường quy định: Đối với những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.
Ông Hùng cho hay việc lấy tên 2 giáo sĩ nêu trên đặt tên đường phải dừng lại. “Bây giờ dừng luôn theo Nghị định 91, chưa biết khi nào đề xuất đặt lại, có khi cả chục năm sau”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết thêm theo quy định, trước khi đặt tên đường vẫn phải lấy ý kiến và nếu có nhiều ý trái chiều thì không thể đưa ra kỳ họp HĐND. Quyền đặt tên đường là do HĐND từng địa phương quyết định.[1]
Được biết vấn đề này khi đưa ra, đã có 12 người ký tên vào bản kiến nghị gửi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 "ông tổ" chữ Quốc ngữ là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina.
Nhóm 12 người này cho rằng dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”, nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ.
Sau ngày bại trận ở Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp về nước, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.
Lại nữa, Alexandre de Rhodes viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng tiếng Việt nhằm mục đích truyền đạo Thiên Chúa giáo (Công giáo). Nhưng bên cạnh đó, ông đã sử dụng nhiều câu chữ thô bạo để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo).
Đặc biệt, Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông.
Chính vì thấy những ý định không tốt của A. de Rhodes (chống đối truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc, chia rẽ tinh thần đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo, âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta…) nên cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất A. de Rhodes, không cho ông ta cư trú và hoạt động ở Việt Nam.
Vì những lẽ trên, ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975, các đường phố, trường học,… mang tên A. de Rhodes (do thực dân Pháp hay chính quyền Việt Nam Công hoà đặt) đều bị xóa. Gần đây, một số người lặp lại luận điệu sai trái của thực dân trước đây để đòi phục hồi tên của A. de Rhodes, nhằm những ý đồ chính trị hay tôn giáo của họ.
Nhóm 12 người này khẳng định: “A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ,..”. Trái lại đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được. Quan điểm của các sử gia Việt Nam là quá rõ: “Sau hàng thế kỷ trường kỳ mai phục bằng hội Truyền Giáo đối ngoại, tới đây tư bản Pháp đã nắm được thời cơ can thiệp thẳng vào Việt Nam.
Đó là cái mà các sử gia triều đình phong kiến thực dân gọi là “công nghiệp” của Pi-nhô đờ Bê-hen (Pigneau de Béhaine), người được Lu-i XVI phong tước công và cử làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền bên cạnh Nguyễn Ánh và được Nguyễn Ánh tôn lên làm “cha cả” với chức thái phó tước quận công. Nhưng vai trò Bá Đa Lộc vốn chỉ là kẻ trực tiếp khiến cho tư bản Pháp nắm được Nguyễn Ánh, còn yếu tố quyết định đầu tiên là cả một quá trình hoạt động không biết mệt mỏi của hội Truyền Giáo đối ngoại nằm trong tay thế lực tư bản Pháp, vốn do Rốt sáng lập”.[2]
Cần cái nhìn cởi mở...
Bình luận về những nhận định trên, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội đồng đặt tên đường Đà Nẵng cho rằng, những nhận định của PSG.TS Lê Cung và nhóm kiến nghị là "áp đặt, gán ghép, chưa thuyết phục.
"Lấy ví dụ Linh mục Alexandre de Rhodes có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 17, trong khi thực dân Pháp xâm lược nước ta tận đầu thế kỷ 19, tức hơn 250 năm sau. Bây giờ gán ghép hai sự kiện đó lại với nhau là khiêm cưỡng". - Ông Hùng nói.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Hùng, quá trình hình thành chữ quốc ngữ là công trình tập thể. Tuy nhiên công trạng của hai nhà truyền giáo nói trên đối với vai trò tạo ra từ điển để hình thành loại chữ này thì không ai phủ nhận được. Đặc biệt là mới đây, hai cuộc hội thảo lớn được tổ chức tại Bình Định và Quảng Nam đã nêu bật công lao này.[3]
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Trần Hinh - chuyên gia nghiên cứu văn học Pháp (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng, việc TP Đà Nẵng dự định lấy tên hai vị giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes góp công hình thành chữ Quốc ngữ để đặt tên đường là tín hiệu mừng.
Theo ông, việc lấy tên những danh nhân nước ngoài đặt tên cho đường phố nước ta, cho thấy chính quyền và những người làm văn hóa trong nước đã có cái nhìn cởi mở, rất phù hợp với xu hướng hội nhập trên thế giới.
Và, việc lấy tên một sự kiện lịch sử văn hóa hay một nhân vật lịch sử nào đó đặt tên cho một đường phố nước mình, thì đã có ở khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở riêng Việt Nam.
Tất nhiên, khi lấy một cái tên nước ngoài đặt tên cho đường phố nước mình, người ta phải có chọn lọc. Hai cái tên Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes, cho dù họ là những nhà truyền giáo, nhưng ở tầm bao quát hơn họ cũng là những nhà văn hóa. Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cho dù có vì mục đích gì vẫn là tích cực cho tiến trình phát triển văn hóa, văn minh nước nhà.
“Tôi nghĩ, đó là một tín hiệu tốt. Chúng ta không nên cho rằng, làm như thế thì có “hại” cho quốc gia, hay “lai căng”. Nếu cứ nghĩ: Trong nước thiếu gì sự kiện, danh nhân có thể dùng làm tên đặt thì quá “hạn hẹp”” - ông Trần Hinh nhấn mạnh.
Trong khi đó, GS Nguyễn Chí Tình - chuyên gia xã hội học cũng nhấn mạnh ngay rằng, với sự góp công đặc biệt trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, đáng lẽ hai giáo sĩ Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp) phải được ghi nhận từ lâu rồi.
Theo ông Tình, có người bên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội còn đề nghị dựng tượng giáo sĩ Alexandre de Rhodes ngay trước cửa viện này.[4]
Đúng vậy, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam đặt tên đường mang tên giáo sĩ này. Thực tế, tại TP.HCM, tên đường Alexandre De Rhodes đã hiện diện rất lâu, hiện nay đường này là một cạnh của công viên 30-4 trước Hội trường Thống Nhất ở trung tâm TP. Từ Hội trường Thống Nhất nhìn ra, đường Alexandre De Rhodes nằm phía tay trái, dài khoảng 300m, nối từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Phạm Ngọc Thạch.
Đây là một trong những đường cũ từ trước năm 1975 còn đến hôm nay.
Theo một số tài liệu, con đường Alexandre De Rhodes hiện nay được mang tên Paracels (Hoàng Sa) từ ngày 2-6-1871, đổi tên thành Colombert (tên gọi cũ của quần đảo Hoàng Sa) vào ngày 16-10-1871. Từ năm 1955, con đường này mang tên Alexandre De Rhodes. Ngày 4-4-1985, đường được đổi tên thành Thái Văn Lung, đến năm 1995 được phục hồi tên Alexandre De Rhodes tới hôm nay.
Ngoài ra, tại TP.HCM còn có một con đường nhỏ mang tên Alexandre De Rhodes trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, Q.Thủ Đức, được đặt tên từ tháng 4-2019.
Theo TS Đỗ Đại Thắng - giám đốc Trung tâm Quốc phòng và an ninh, ĐH Quốc gia TP.HCM, người chủ trì đề án đặt tên đường trong khu đô thị này, ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định xây dựng đề án tự đặt tên đường nội bộ cho khu đô thị. Lý do là khu đô thị ĐH này nằm trên địa bàn hai địa phương (TP.HCM và tỉnh Bình Dương), đồng thời muốn tạo đặc thù riêng cho khu đô thị, vì nếu theo quy trình đặt tên đường của TP.HCM sẽ bị trùng tên rất nhiều.
"Tùy theo tuyến đường sẽ đặt tên danh nhân văn hóa - giáo dục phù hợp, ví dụ tuyến đường đi ngang qua Trường ĐH Bách khoa sẽ có tên Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có tuyến đường Alexandre De Rhodes..." - ông Thắng nói[5]
... và xét trên cái nhìn biện chứng - lịch sử cụ thể
Câu chuyện từ hơn 400 năm về trước, giờ lại trở thành đề tài tranh cãi gay gắt của người hiện thời. Và tranh cãi ngay bằng thứ chữ viết mà những người trên đang quyết liệt phủ nhận.
Thẳng thắn mà nói, chữ viết, với tư cách là một biểu tượng văn hóa từ xa xưa đã luôn gắn với hình ảnh Thượng đế, với đức Chúa trời. Nên việc các cha đạo gắn công cuộc truyền giáo với việc nghiên cứu, sáng tạo ra thứ chữ viết, ngôn ngữ thuận tiện sử dụng tại những mảnh đất xa lạ nơi họ đến không phải là điều gì quá đặc biệt. Ngay như kinh Coran của đạo Hồi cũng khẳng định: “Chúng ta không phái đi một nhà tiên tri nào mà không biết tiếng nói của giáo dân của mình”.
Tất nhiên nói chỉ một hai người (như hai vị giáo sĩ trên) sinh ra chữ Việt như ngày nay là điều không tưởng, là không hiểu gì về ngôn ngữ. Và ngôn ngữ sẽ chết nếu không được cộng đồng rộng lớn tiếp nhận, gìn giữ và phát triển.
Chữ viết nói riêng và ngôn ngữ nói chung tồn tại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một vài nhóm người, hay vào một thể chế chính trị nào. Ngôn ngữ có sinh mệnh của riêng nó. Hàng ngàn ngôn ngữ đã chết dù không ít người muốn hằng giữ. Chỉ còn rất ít ngôn ngữ sinh tồn mạnh mẽ.
Đặc biệt, sự cân đong công và “tội” của các vị giáo sĩ, thiết nghĩ cần xét trên cái nhìn biện chứng - lịch sử cụ thể. Khi thời gian đã cách xa hơn 400 năm, mọi sai lầm, hạn chế đáng để xếp lại vào lịch sử. Nhất là khi chữ viết hiện đại, tiện lợi mà chúng ta đón nhận từ họ vẫn đang được sử dụng hàng ngày.
Tinh thần khoa học chân chính không chấp nhận và dung dưỡng sự hận thù. Chưa kể việc trích sai lời, dịch sai ý là đã thiếu công tâm cũng như thiếu tính cẩn trọng của nghiên cứu.
Nếu ai cũng dựng “bia căm thù” và sự cố chấp trong lòng, thì lịch sử ngàn vạn năm qua của dân tộc ta cũng như trên thế giới này lấy gì chất chứa hết? Nền văn hóa, văn minh làm gì còn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Sẽ nhìn nhận thế nào với Nobel - cha đẻ của thuốc nổ, hay Enstein góp phần sinh ra bom nguyên tử?
Từng chật vật với việc đặt tên đường Bích Khê ở Quảng Ngãi, đường Phan Khôi ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Danh nhân nghệ thuật tuồng (hát bội) người Quảng Nam Nguyễn Hiển Dĩnh một thời cũng vì lý do trên mà phải dừng đặt tên đường, cho dù Đà Nẵng có một nhà hát tuồng khang trang mang tên ông. Di sản nghệ thuật tuồng của dân tộc biết ơn ông.
Việc đặt tên đường những người có công đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ là biểu hiện của sự biết ơn, nhưng thiết nghĩ cũng không quá quan trọng. Một khi cả trăm triệu người dân Việt Nam hàng ngày vẫn sử dụng chữ viết ấy, mỗi giây mỗi phút, thân thuộc như không khí để thở.
“Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh/Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy” (Lưu Quang Vũ). Tiếng Việt, chữ Việt gian nan, trầm luân vậy đấy, khiến chúng ta “suốt đời mắc nợ”. [6]
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] https://news.zing.vn/da-nang-dung-dat-ten-duong-alexandre-de-rhodes-post1018397.html
[2] [3] https://laodong.vn/van-hoa/nhung-ai-kien-nghi-da-nang-khong-dat-ten-duong-ong-to-chu-quoc-ngu-768635.ldo
[4] https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/dat-ten-duong-hai-giao-si-co-cong-voi-chu-quoc-ngu-khong-suy-dien-rang-hai-quoc-gia-lai-cang-4050169-b.html
[5] https://tuoitre.vn/dat-ten-duong-2-giao-si-cho-tranh-luan-nga-ngu-20191128211906014.htm
[6] https://www.tienphong.vn/toi-nghi/chu-viet-va-ten-duong-1492900.tpo