Một xã hội tốt đẹp là nơi người giàu biết “nhìn xuống” kẻ nghèo, người dư ăn dư để biết động lòng trước cảnh túng thiếu của kẻ khác...
Có một chi tiết của phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Bà Ho Ching với tư cách là phu nhân của Nguyên thủ một đất nước thuộc hàng giàu có nhất thế giới chỉ dùng chiếc túi xách có giá trị 21 USD trong chuyến công du đến Mỹ.
Chiếc túi được hãng tin danh tiếng Reuters chụp rất rõ, nó có màu xanh dương và in hình khủng long, một loài vật biểu tượng cho sức mạnh đã tuyệt chủng cách đây mấy triệu năm.
Từ làng chài nhỏ bé đến đất nước Singgapore hóa rồng được như hôm nay phần lớn dựa vào đức tính nhẫn nại, tiết kiệm. Vì vậy, chiếc túi xách của bà Ho Ching khởi tạo rất nhiều cảm hứng.
Trên toàn dải đất hình chữ S có bao nhiêu công trình văn hóa đang bỏ hoang hoặc ngắc ngoải sắp “chết”? Chưa có ai thống kê hết, như thường lệ, công cụ truy kết quả nhanh nhất vẫn là Google.
Một cái chớp mắt, cụm từ “công trình văn hóa bỏ hoang” ra 66 triệu kết quả! Không hoàn toàn chính xác nhưng phần nào cho thấy tính phổ biến của sự lãng phí ở nước ta, dông dài ra là cả trời những bất cập về chính sách xây dựng, phát triển các công trình phúc lợi công cộng trong đó có văn hóa.
Nhiều người so sánh về sự bất cập giữa cái nhà hát 1.500 tỷ và nỗi cơ cực của người dân nhiều nơi, trong đó có tôi, nhưng thật sự mà nói, đó là kiểu logic thông thường ngắn củn.
Thành phố Hồ Chí Minh giàu nhất nước, mỗi ngày thu tầm ngàn tỷ đồng tiền thuế, nhưng không có nghĩa, họ có nhiệm vụ ban phát dư dả cho các địa phương nghèo khó, tỷ dụ, nếu không xây nhà hát, 1.500 tỷ có thể cho không tỉnh nghèo nào đó xây vài chục cây cầu…!
Có thể bạn quan tâm
11:24, 08/10/2018
05:07, 05/10/2018
06:00, 02/10/2018
Chuyện không đơn giản như thế, sự hỗ trợ của các địa phương trong một đất nước không thể và không nên thực hiện dưới dạng “cảm tình”, tất cả phải chịu sự điều tiết chung của chính sách, pháp luật.
Vì vậy, phát triển văn hóa hay bất cứ thứ gì cũng cần có quy hoạch cụ thể, vùng miền, tỉnh thành có thể quyết định một số công việc theo phân cấp, phân quyền thông qua cơ quan đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân là HĐND.
Nhưng thiết nghĩ, một xã hội tốt đẹp là nơi người giàu biết “nhìn xuống” kẻ nghèo, người dư ăn dư để biết động lòng trước cảnh túng thiếu của kẻ khác, giá trị của người nhiều tiền rút cục lại không phải vì họ có nhiều tiền, có biệt thự, siêu xe, ăn uống phủ phê… là gì, ai cũng biết rồi!
Nhưng, đâu chỉ là công trình văn hóa ngàn tỷ mới bị cho là lãng phí, giật mình khi nhìn thấy cả những dự án từng nhận được sự ủng hộ và thực tế rất cần nhưng vẫn dở dang hoang phí.
Có thể liệt kê ra đây: Nhà bảo trợ xã hội trị giá 4 triệu USD ở tỉnh nghèo Quảng Trị dải nắng dầm mưa nhiều năm nay, nó hoàn toàn “rỗng ruột” nghèo nàn trang thiết bị, mặc dù rất có nhu cầu. Chẳng hiểu vì lý do gì.
Cũng ở Quảng Trị, “Đau xót dân chết khát bên công trình nước sạch 30 tỷ đồng” là cái tít gọn gàng của một tờ báo được đăng cách đây không lâu. Nhà máy sừng sững giữa 1.500 hộ dân ước ao có nước sạch.
Lại thêm, một trường dạy nghề ở Nghệ An có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng nhưng xây xong không ai học, lý do là thiếu vốn.
Còn khá nhiều những thông tin tương tự, không thể liệt kê ra hết! Người ta sốt sắng bao nhiêu khi đặt bút phê dự án thì bây giờ càng nguội lạnh bấy nhiêu với tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Dự án nhà hát ở Thủ Thiêm đã được thông qua, không phải nói suông, HĐND chính là tiếng nói của dân, nên tin như thế. Và bây giờ những người “bấm nút” có dám cam kết với dân là sẽ chịu trách nhiệm nếu công trình gây lãng phí hoặc không hiệu quả, thậm chí dở dang? Hay dân quyết chưa đúng thì… dân chịu!
Trước khi đề đạt địa phương nào đó cần có trách nhiệm với phần còn lại thì trước hết chỉ cần họ có trách nhiệm với hàng triệu người dân ở đó.
Mọi quy kết bằng cảm tính một công trình chưa xây dựng mà lãng phí là vội vàng, nhưng những người “bấm nút” hãy nhìn vào thực tế để biết dân cần gì hơn, ít ra - nhà hát là nơi làm dịch vụ thu tiền, rất nên cần báo cáo điều tra xã hội học về nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật đỉnh cao.
Cần một tư duy kinh tế thị trường thay cho sự cảm tính chung chung, kể cả những phản biện từ dư luận lẫn quyết sách của cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.