Đấu giá biển số ô tô: Cần công khai, minh bạch

THANH BÌNH 27/04/2022 04:00

Đấu giá biển số vừa thỏa mãn nhu cầu cá nhân vừa giúp tăng ngân sách nhưng vẫn bị “thắt nút” trong nhiều thập kỷ. 

>>Đấu giá biển số ô tô: Tiền thu được sẽ phân bổ thế nào?

Người đàn ông bốc được biển số 999.99.

Người đàn ông bốc được biển số 999.99.

Mới đây, Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền đấu giá biển số xe. Theo đó, dự thảo lấy ý kiến đóng góp trong 2 tháng, tính từ 22/4, đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết này là quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn theo nhu cầu sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, bao gồm: Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; Trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.

Theo đó, biển số đuợc lựa chọn đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà Cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm.

Thực chất, đây không phải là một vấn đề mới. Trước đó ngày 10/3/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 127/TB-VPCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng đề án đấu giá biển số xe ô tô.

Thời điểm năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Đến năm 2008, công an một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an về việc đấu giá biển số xe.

Sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số xe.

Qua thí điểm đấu giá cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn. Đơn cử, tại thời điểm đó đã ghi nhận một biển số tứ quý 9 ở tỉnh Nghệ An được bán với giá 700 triệu đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá biển số.

ff

Chủ trương đấu giá biển số là chủ trương đúng và lẽ ra phải làm từ lâu.

>>Sẽ quy định đấu giá biển số xe

Thực tế cho thấy, đến nay vẫn có một luồng ý kiến cho rằng không nên thực hiện việc đấu giá biển số xe. Bởi cho phép mua bán biển số sẽ tạo rối ren, phức tạp cho công tác quản lý, trong việc truy xét chủ xe thông qua biển số khi xe có vi phạm giao thông và các vấn đề khác, kể cả liên quan đến hình sự.

Hoặc, việc quan niệm biển số xe là tài sản có thể mang đi thế chấp ngân hàng cũng không nên làm. Bởi vì khi đấu giá biển số có thể lên đến hàng tỷ đồng nhưng khi người vay không trả được nợ thì ngân hàng bán biển số đó chắc gì đã thu về đủ số tiền cho vay…v…v.

Vấn đề ở chỗ, Nhà nước và thị trường không nhất thiết mâu thuẫn với nhau. Nhà nước vẫn quản lý chặt việc nhận dạng phương tiện, nhưng tạo ra thị trường để xác lập một sân chơi biển số bình đẳng và minh bạch cho mọi chủ xe.

Tức là, chủ trương đấu giá biển số là chủ trương đúng và lẽ ra phải làm từ lâu. Bởi biển số xe không phải để quản lý xe mà để quản lý người chủ sở hữu xe, chiếc xe là vật vô tri vô giác, quan trọng là quản lý người chủ sở hữu chiếc xe đó. Và cấp biển dõi theo cả đời là quản lý khoa học nhất.

Bên cạnh đó, việc đấu giá  biển số đẹp sẽ đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ nếu áp dụng. Nguồn thu về ngân sách rất lớn để sử dụng có ích cho xã hội. Chẳng hạn, năm 2021, theo Cục Đăng Kiểm, số lượng ôtô 9 chỗ trở xuống đi đăng kiểm lần đầu lên tới trên 300.000 xe.

Theo dự thảo đề xuất đấu giá biển số mới của Bộ Công An, giá khởi điểm ở Hà Nội và TP HCM bằng khoảng hai lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng. Như vậy, mỗi biển số tự chọn sẽ có giá ít nhất 40 triệu đồng.

Nếu chỉ một phần mười con số xe đăng ký mới tại Cục Đăng Kiểm tham gia đấu giá, ngân sách nhà nước đã thu được ít nhất 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Đây là con số khiêm tốn ước tính. Nếu tỷ lệ lên tới 50% như thí điểm tại Hải Phòng, mức thu sẽ tăng gấp năm lần.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và Phân tích cơ sở dữ liệu GTVT - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) từng cho rằng: “Người trúng đấu giá biển số xe không chỉ được quyền sử dụng mà còn có quyền chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp biển số trúng đấu giá. Bởi một mặt, do biển số là tài sản công theo quy định tại Điều 4, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và được khai thác quyền sử dụng thông qua đấu giá và có thể được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác”.

Cũng theo ông Lê Văn Đạt, biển số xe sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật. Mặt khác, người trúng đấu giá biển số xe cần có các quyền trên, khi đó việc đấu giá mới có ý nghĩa, mới có thể thu hút được nhiều người tham gia đấu giá, từ đó giúp công tác đấu giá biển số đạt hiệu quả cao hơn, tài sản công sẽ được khai thác tối ưu hơn, mang lại nguồn thu nhiều hơn cho Nhà nước, đồng thời sẽ bảo đảm được quyền lợi của người trúng đấu giá.

Có thể nói, phương án nào cũng có tính hai mặt của nó, nhưng việc đấu giá biển số xe vẫn là cần thiết và đó là chủ trương đúng. Quan trọng là chọn phương án và cách thực hiện tối ưu nhất, trong đó cần có cả sự minh bạch khi thực thi.

Nếu thực hiện tốt, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, mà mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách.

Có thể bạn quan tâm

  • Đấu giá biển số ô tô: Tiền thu được sẽ phân bổ thế nào?

    00:06, 25/04/2022

  • Sẽ quy định đấu giá biển số xe

    15:21, 16/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đấu giá biển số ô tô: Cần công khai, minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO