Theo khảo sát của phần mềm quản lý bán hàng Sapo.vn đầu năm 2018, có tới 90% các cửa hàng bán lẻ có kết hợp bán hàng online và cửa hàng offline.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục.
Cụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Ngày nay bán lẻ đang dần khó có thể tách khỏi bán hàng online và ngược lại, bán hàng online vẫn luôn cần có một địa điểm bán hàng. Sự tăng trưởng về đơn hàng, khách hàng là ước mơ của nhiều nhà bán lẻ nhưng nó cũng là ác mộng trong việc vận hành, quản lý.
Phân thân là cách nhiều shop nhỏ vẫn đang làm khi bán hàng đa kênh. Họ tư duy như một người tí hon muốn tiết kiệm chi phí phải cố gắng gồng mình để làm việc như một người khổng lồ. Điều đó thường sẽ khiến cửa hàng khó tăng trưởng bứt phá ngay cả khi tăng số người nhưng quy trình vận hành không thay đổi.
Xét trong một cửa hàng bán cả online và tại quầy, có rất nhiều công đoạn trong kinh doanh tốn nguồn lực như nhập hàng, sắp xếp hàng hóa, đăng bán sản phẩm, tư vấn, chốt đơn, kiểm kho, liên hệ vận chuyển, kiểm tra thanh toán, chăm sóc khách hàng, báo cáo, quản lý… Với những cửa hàng nhỏ, một người sẽ phải “đa di năng” để đảm nhận tất cả những công việc này một cách thủ công và nhân lên theo từng kênh. Càng nhiều kênh mức độ phức tạp lại càng cao. Họ sẽ rất khó có thời gian, nguồn lực để tập trung vào những công việc chính.
Anh Nguyễn Bình Nguyên - chủ shop thời trang nam tại Hà Nội chia sẻ mỗi khi có chương trình khuyến mại, xả kho, ngoài 2 nhân viên bán tại cửa hàng và trực đơn hàng, tương tác từ các kênh website, Facebook và Lazada, , anh còn huy động thêm 2 người thân hỗ trợ chỉ để kiểm kê hàng hiện có. “Khách hàng đông thì vui thật nhưng rất mệt, nhiều lúc căng như dây đàn, gần như phải làm việc tăng gấp đôi công suất mà vẫn xảy ra những thiếu sót", anh cho biết thêm.
Khi bán hàng trên nhiều kênh, mọi dữ liệu từ sản phẩm, đơn hàng, khách hàng, số lượng tồn kho thường sẽ hoàn toàn độc lập trên mỗi kênh.
Chủ shop sẽ bắt đầu phải đăng bán sản phẩm nhiều lần trên từng kênh khác nhau. Các thông tin về giá cả, mô tả, số lượng tồn kho sẽ tách biệt nên khi có bất cứ thay đổi nào phải thay đổi thủ công hàng loạt.
Sau tất cả, quản lý hàng tồn kho mới chính là cốt lõi khi bán hàng đa kênh. Thử hình dung nếu một cửa hàng bán trên 5 kênh một lúc, họ sẽ phải vào từng kênh kiểm tra đơn hàng và trừ thủ công về tồn kho tổng. Điều này sẽ trở nên rối ren, nguy cơ sót đơn, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt trong các thời gian cao điểm, chạy chương trình khuyến mại…
Có những tình huống dở khóc dở cười đã từng bị phạt vài triệu đồng khi không có hàng giao cho khách chỉ vì không cập nhật số lượng tồn kho kịp thời trên một sàn TMĐT. Hay nhân viên trực online vừa nhận đơn cách đây vài phút nhưng tại cửa hàng đã bán ngay lúc đó chiếc cuối cùng. Shop lại phải “muối mặt” gọi lại xin lỗi khách hàng vì không còn hàng giao cho khách. Một trải nghiệm tồi tệ của khách hàng như vậy rất có thể sẽ là nguyên nhân khiến shop mất đi khách hàng này mãi mãi.
Chị Khánh Linh - chủ shop mỹ phẩm tại Hà Nội cho biết với một cửa hàng có từ 1-2 nhân viên, khoảng 20 đơn/ngày trở lên là lúc bắt đầu bộc lộ rõ những điểm yếu kém khi sử dụng sức người trong bài toán đồng bộ dữ liệu và quản lý tồn kho.
Đồng bộ đơn hàng và quản lý tồn kho rất quan trọng như vậy nhưng thực tế hiện nay, tư duy đồng bộ dữ liệu vẫn chưa được các chủ shop quan tâm đúng mức. Các chủ shop, chủ doanh nghiệp vẫn đang tốn rất nhiều nguồn lực để làm công việc này thay vì nghĩ tới những giải pháp nào có thể xử lý được để tiết kiệm tối thiểu 30% nguồn lực. Là vì họ chưa nghĩ tới hay các giải pháp hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được trọn vẹn?
Hiện tại, các giải pháp bán hàng đa kênh có rất nhiều nhưng thực tế chưa có giải pháp nào có thể vừa quản lý và vừa bán hàng đa kênh. Sự tích hợp giữa nền tảng website bán hàng và quản lý vẫn còn nhiều vấn đề bất cập về khả năng mượt mà và sự chuẩn xác về dữ liệu, luồng vận hành cửa hàng.
Bán hàng đa kênh là xu thế nhưng với những nguồn lực “đắt đỏ” mà mô hình đó cần, bài toán đặt ra cần phải có những giải pháp có thể quản lý thông suốt giữa các kênh, bán hàng và quản lý tập trung. Từ đó giảm thiểu tối đa những quãng thời gian dư, những khúc công sức thừa và những khoản chi lãng phí.