Đâu là “cửa thoát” kinh tế toàn cầu?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 28/12/2021 20:02

Lạm phát toàn cầu hiện nay không do cấu trúc kinh tế, mà chủ yếu do đứt gãy chuỗi cung ứng nên sẽ không gây rủi ro kéo dài đối với kinh tế toàn cầu.

 IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng Bảy năm nay và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.

IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng Bảy năm nay và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD cho rằng, tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt 5,6% trong năm 2021 trước khi giảm xuống 4,5% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023.

Tác động tiêu cực

Các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Đầu tiên, mức lạm phát cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua tại Mỹ đã khiến FED cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE), và dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm tới. Điều này sẽ kìm hãm đà tăng trưởng do thanh khoản nền kinh tế suy giảm và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Tiếp đến là đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 40 năm qua, phần lớn hoạt động sản xuất toàn cầu được tổ chức tại chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm. Hiện Trung Quốc phân phối hơn 370 loại hàng hóa thiết yếu, đồng thời cũng là thị trường tiêu dùng lớn toàn cầu. Nhưng khủng hoảng năng lượng, thiên tai và chính sách “zero COVID” của nước này đã khiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài hơn.

Việt Nam và nhiều nền kinh tế mới nổi vốn được hưởng lợi cả về vốn, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế và kỹ thuật công nghệ sản xuất liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với xu hướng khu vực hóa và song phương hóa đã và đang giáng một đòn đáng kể vào nỗ lực công nghiệp hóa.

Dù biến chủng Omicron không đáng sợ như Delta, nhưng mức độ lây nhiễm đang tăng rất nhanh, khiến hàng loạt nền kinh tế chưa dám mở rộng cửa, làm chậm đà phục hồi kinh tế thế giới.

Một vài điểm sáng

Khá may mắn là tình hình lạm phát hiện nay không do cấu trúc kinh tế, mà chủ yếu do dứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tức là hàng hóa không hề khan hiếm, mà cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng bị chậm trễ mà thôi. Do đó, tình trạng này sẽ sớm qua đi khi đại dịch được kiểm soát.

Ông Seth Carpente, Chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley nhận định: “Dựa trên các cuộc khảo sát và nhận định của các chuyên gia phân tích, chúng tôi tin rằng, thế giới đã gần chạm ngưỡng tồi tệ nhất của sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng tình trạng này sẽ giảm vào năm sau”.

Dù dứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn tiến rất chắc chắn vào thị trường Mỹ, đưa tổng kim ngạch song phương gần đạt 100 tỷ USD bằng cách làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương.
Từ cải cách thể chế đến đòn bẩy ngoại giao, Việt Nam tạo ra những “hành lang” thương mại, đầu tư đầy triển vọng với Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU… Điểm sáng tương tự cũng diễn ra tại Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc - những nền kinh tế được dự báo tăng trưởng tốt năm 2022.

Với kết quả đáng khích lệ này, những nền kinh tế xuất khẩu mạnh ở Châu Á sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế cho khu vực trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đâu là “cửa thoát” kinh tế toàn cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO