Chuyến thăm hữu nghị chính thức tại Việt Nam trong hai ngày 1-2/3/2019 lần này của Chủ tịch Kim Jong Un là một dấu mốc mới, quan trọng trong quan hệ Việt - Triều Tiền.
Theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có chuyến thăm hữu nghị chính thức tại Việt Nam trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 1/3.
Chiều 1/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Phủ Chủ tịch.
Lễ đón chính thức Triều Tiên Kim Jong Un được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Ảnh VGP
Chiều 1/3, xe của ông Kim Jong Un đến Phủ Chủ tịch giữa hai hàng thiếu nhi đứng vẫy cờ Việt - Triều. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra đón ông Kim Jong Un ở cửa xe.
Lễ đón bắt đầu tại Phủ Chủ tịch bằng nghi thức thượng cờ, sau đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng duyệt đội danh dự.
Sau lễ đón lãnh đạo hai nước Việt Nam - Triều Tiên đã tiến hành hội đàm.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức nói rằng chuyến thăm lần này của ông Kim Jong Un sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Triều. "Việt Nam là nước thứ hai ông Kim Jong Un đến thăm chính thức sau khi lên nắm quyền từ năm 2011". - ông Thức nói.
"Chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất Triều Tiên tới nước ta thể hiện truyền thống thân tình bạn bè giữa hai quốc gia vốn có tình hữu nghị từ lâu đời. Chúng ta mời, bạn nhận lời, có nghĩa là lãnh đạo và nhân dân cả hai nước đều mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới". - ông Thức cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
10:13, 01/03/2019
08:40, 01/03/2019
01:58, 01/03/2019
18:06, 28/02/2019
12:00, 28/02/2019
22:12, 27/02/2019
15:03, 01/03/2019
14:29, 01/03/2019
Được biết, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên tới thăm chính thức Việt Nam trong 55 năm qua, kể từ chuyến thăm của ông Kim Nhật Thành, ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un năm 1964.
Hiện, Triều Tiên là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Triều năm 2014 đạt 8 triệu USD, năm 2015 đạt 11,6 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang Triều Tiên 6,13 triệu USD, nhập khẩu từ Triều Tiên 5,47 triệu USD. Năm 2016 và 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Triều Tiên tổng cộng 10,3 triệu USD. 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất sang 497.000 USD và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên.
Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam, vào năm 1950, chỉ sau Trung Quốc và Liên Xô.
Triều Tiên từng đào tạo hàng trăm sinh viên Việt Nam trong thập niên 1960, 1970, cung cấp hàng viện trợ và đưa hàng trăm phi công quân sự tới hỗ trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Triều Tiên và Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành đến thăm Việt Nam một năm sau đó.
Tháng 6/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Triều Tiên. Ba năm sau, ông Kim Nhật Thành trở lại Việt Nam vào tháng 11/1964.
Triều Tiên và Việt Nam năm 1993 đầu tư chung vào nhà máy ươm tơ tằm khoảng 3,5 triệu USD ở Hải Dương, với nguyên liệu do Việt Nam cung cấp và máy móc (nhập từ Nhật) do Triều Tiên cung cấp.
Năm 1994, Việt Nam rút khỏi liên doanh và Triều Tiên kinh doanh độc lập. Năm 2001, Triều Tiên bán lại nhà máy cho Việt Nam.
Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được tăng cường đáng kể từ cuối những năm 2000 với những chuyến công du như chuyến thăm Triều Tiên của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007, nguyên Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh năm 2008.
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong-nam và Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong-il lần lượt thăm Việt Nam năm 2001 và 2007.
Một điểm sáng trong quan hệ hai nước là trường mẫu giáo Việt Triều Hữu nghị tại Hà Nội và trường mầm non Việt - Triều hữu nghị Kyongsang tại Bình Nhưỡng. Ngôi trường ở Hà Nội được thành lập vào năm 1978 với sự tài trợ của Triều Tiên, hiện được coi là một trong những trường mẫu giáo hàng đầu tại Hà Nội.
Trước đó, ông Kim Jong Un tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn hôm 26/2 rồi di chuyển bằng ôtô về Hà Nội để dự Hội nghị Thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc 28/2 mà không có thỏa thuận nào được đưa ra. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh hai lãnh đạo "đã có những cuộc họp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng", đồng thời bày tỏ mong đợi về hội nghị trong tương lai. Trong buổi họp báo sau hội nghị, Tổng thống Trump cho biết cuộc họp thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch Kim không đi đến thống nhất do bất đồng về lệnh trừng phạt, khi Triều Tiên "muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận" trước khi phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyong. Trump và các cố vấn của ông không sẵn sàng thực hiện yêu cầu này. Tuy nhiên, trong buổi họp báo đêm qua tại khách sạn Melia, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết họ chỉ yêu cầu Washington dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân, bao gồm plutoni và urani, và cho phép chuyên gia Mỹ vào thanh sát. |