Merck - hãng dược phẩm được Fortune vinh danh là “Doanh nghiệp đáng ngưỡng mộ nhất” suốt 6 năm liền (1985-1990). Tuy nhiên, cái danh tiếng đó đã bị Vioxx - “thần dược” của hãng vùi dập tời bời!
>>Những vụ giải cứu nông sản kinh điển
Viêm khớp là một trong những nỗi bất hạnh của tuổi già. Các loại thuốc kháng viêm như aspirin, naproxen làm dịu cơn đau nhức xương nhờ vào công dụng ức chế 2 loại Enzyme COX-1 và COX-2 trong cơ thể người. Nhưng như mọi loại dược phẩm, chúng cũng có tác dụng phụ. COX-1 bảo vệ niêm mạc dạ dày, nếu ức chế nó thì dẫn đến loét dạ dày. Do đó, Merck đã nghĩ cách làm ra loại thuốc chỉ ức chế COX-2 mà không động đến COX-1. Họ đặt tên loại thuốc đó là Vioxx.
Merck dàn dựng màn ra mắt Vioxx- loại “thần dược” được mệnh danh “siêu aspirin” này hoành tráng không khác gì Hollywood tiếp thị một siêu phẩm điện ảnh “bom tấn”. Đầu tiên là một loạt bài được đăng trên những tạp chí y học danh tiếng. Có điều tác giả các bài báo này thường được Merck “chọn” để nhận “bảo trợ”. Thậm chí còn được “hỗ trợ biên tập”, nếu nói thẳng thừng ra là “chấp bút” hộ. Chẳng cần nói nhiều chúng ta cũng đoán định được nội dung của chúng. Ví dụ một bà Bombardier ở Đại học Toronto (Canada) khẳng định: Thuốc mới (Vioxx) công hiệu như thần, khi vừa giảm đau vừa giảm cả những nguy cơ viêm loét dạ dày.
Sau đó là đến các nhân vật chính – bác sĩ, những người bắt buộc đứng giữa bệnh nhân và thuốc, họ sẽ bảo vệ bệnh nhân khi quyết định cho người bệnh dùng loại thuốc gì. Giới bác sĩ được mời đến các cuộc hội thảo hoành tráng ở những khách sạn sang trọng có đủ tiện nghi thư dãn sau khi đã nghe chán chê các lời tán dương về tác dụng diệu kỳ của thần dược Vioxx.
Hàng ngàn trình dược viên cũng xung trận, cầm sẵn cẩm nang do Merck biên soạn từ những “bài báo khoa hoc” được viết theo đơn đặt hàng, để giải tỏa mối bận tâm cho các bác sĩ còn lấn cấn về tác dụng phụ của Vioxx. Thậm chí, dân ngoại đạo cũng bị kéo vào cuộc chơi. Nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật danh tiếng, Dorothy Hamill, người vừa dành huy chương vàng Olympic trong Thế vận hội mùa đông, đã đi khắp nơi và lên truyền hình để kể với người dân Mỹ thuốc Vioxx chữa cho cô cái bệnh đau lưng và cổ để cô có niềm hứng khởi nhảy múa trên sân băng như thế nào. Điệu bộ duyên dáng, giọng nói ngọt ngào của cô khiến dân Mỹ tin sái cổ.
Khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng Vioxx, họ đã thòng theo điều kiện: Merck phải tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng chặt chẽ hơn với các thử nghiệm mà hãng đã làm trước đó để xác định về hậu quả lâu dài của Vioxx với dạ dày và ruột. Các nhà khoa học ở Merck gọi tắt những nghiên cứu náy là VIGOR.
>>Chiến lược thâm sâu đằng sau bông sen kẹo
Thật ngạc nhiên khi VIGOR lại phơi bày ra một tác dụng phụ bất ngờ của thần dược Vioxx. Không phải với dạ dày và ruột (Chúng an toàn hơn rất nhiều), mà là tim mạch! Trong nhiều nghiên cứu giữa 2 nhóm người dùng Vioxx (thuốc mới) và naproxen (thuốc cũ), họ thấy nhóm người đầu tiên lên cơn đau tim cao hơn hẳn nhóm thứ hai. Nhiều người bị nghẽn mạch máu do một mảnh vỡ từ cục máu đông. Các nhà khoa học ở Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) đã phát hiện ra thủ phạm chính là tác dụng “ức chế COX-2” của Vioxx. Nó làm mất cân bằng giữa 2 loại lipid quan trọng, dẫn đến hiện tượng đông máu bất thường. Merck biết điều ấy vì chính hãng đã chi tiền cho nghiên cứu này! Và Merck im lặng trước cảnh báo đó, vì thời điểm ấy Vioxx đang phải cạnh tranh với thuốc giảm đau Celebrex (cũng theo nguyên tắc “ức chế chọn lọc COX-2” tương tự Vioxx) của đối thủ chính- Pfizer.
>> Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ logistics đột phá
Vioxx vẫn được tung ra thị trường. Đến năm 2004 doanh thu thường niên của nó lên đến con số khủng khiếp- 2,5 tỷ USD!
Dĩ nhiên không phải bác sĩ Mỹ nào cũng nhắm mắt trước hiện thực: Thuốc Vioxx gây đau tim. Thậm chí có người lớn tiếng phê phán những cố gắng của hãng Merck nhằm xoa dịu các lo lắng của bác sĩ là “tàn nhẫn”. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng bắt đầu hoài nghi. Họ đã so sánh tỷ lệ đau tim ở 30.000 người từng dùng Vioxx với tỷ lệ tương tự ở bệnh nhân sử dụng thuốc khác và giật mình thấy nó cao bất thường.
Rốt cuộc, Merck không thể phớt lờ hiểm họa rành rành như vậy. Ngày 30/9/2004, Vioxx biến mất khỏi các quầy thuốc, nhưng đến lúc đó nó đã kịp gây ra khoảng 140.000 ca đau tim và ước tính hơn 40.000 người tử vong! Chỉ riêng 5 năm ở Mỹ.
Ngày nay Vioxx chỉ có tác dụng như lời cảnh tỉnh lương tâm của các doanh nghiệp!
Có thể bạn quan tâm
17:50, 08/01/2022
11:44, 07/01/2022
08:49, 07/01/2022
04:00, 07/01/2022
04:00, 06/01/2022
02:53, 06/01/2022