Cánh cửa hợp tác đầu tư với EU đang mở rộng, nhưng câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội đó?
Nhiều cơ hội mới
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang tới châu Âu tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 tổ chức tại Bỉ và có các chuyến thăm Áo, Bỉ, EU và Đan Mạch. Sau những thành công trong chuyến đi Nhật Bản và Indonesia tuần trước, với các thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết có giá trị xấp xỉ 10 tỷ USD, thì chuyến công du châu Âu kéo dài tới ngày 21/10 của Thủ tướng tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang lại những thỏa thuận hợp tác đầu tư mới giữa các doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Theo kế hoạch, trong chuyến công du châu Âu, Thủ tướng sẽ là một trong các nhà lãnh đạo cấp cao của ASEM được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp Á - Âu trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 16, dự và phát biểu tại các diễn đàn doanh nghiệp tại Áo và Đan Mạch, làm việc và tọa đàm với các tập đoàn lớn của Bỉ…
Cũng đúng vào dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thăm và làm việc tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu năm 2019.
Đây là hiệp định thương mại toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á. Theo đó, thỏa thuận thương mại sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, trong đó, một số mặt hàng sẽ giảm thuế theo thời gian, lộ trình cụ thể và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch. Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU. Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép.
Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn.
Tuần trước, tại Nhật Bản, Thủ tướng đã khẳng định rằng, Việt Nam là “cơ hội để các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa, làm mới và tạo ra sự khác biệt cho chuỗi cung ứng của mình”. Thông điệp này có lẽ không chỉ có ý nghĩa với riêng các doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn là đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có các nhà đầu tư đến từ EU.
“Việt Nam đang là điểm đến thương mại và đầu tư rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu cũng như quốc tế”, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham khẳng định điều này tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI của Việt Nam.
Việt Nam có tận dụng được cơ hội?
Có một thực tế là, sau 30 năm thu hút FDI, một trong những hạn chế luôn được nhắc tới là thu hút FDI từ Mỹ và EU còn hạn chế, thậm chí quá ít ỏi so với tổng vốn FDI vào Việt Nam, cũng như so với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư này trên thế giới và vào các nước ASEAN. Cụ thể, năm ngoái, EU đã đầu tư ra nước ngoài tới 334 tỷ USD, tuy giảm 41% so với năm 2016, song vẫn là một khoản đầu tư rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam chỉ nhận được một phần rất nhỏ từ khoản vốn đầu tư này.
Có thể bạn quan tâm
22:11, 19/10/2018
16:30, 19/10/2018
04:26, 19/10/2018
Hiện đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong số các nước thành viên EU là Hà Lan (9,33 tỷ USD), Pháp (3,62 tỷ USD), Luxembourg (2,33 tỷ USD), Đức (hơn 1,8 tỷ USD)… Các thành viên còn lại từ EU, khoản đầu tư vào Việt Nam là không đáng kể.
Vậy, khi cánh cửa hợp tác đầu tư với EU mở rộng, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội đó?
Có thể nói, khi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, thì thị trường tiêu dùng với gần 95 triệu dân thực sự là điểm đến lý tưởng của hàng tiêu dùng châu Âu, nhất là nông sản, thực phẩm, sản phẩm thịt, sữa và dược phẩm.
Tổng kết 30 năm thu hút FDI, xây dựng định hướng chiến lược giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh việc tăng cường thu hút FDI từ châu Âu, bởi đây không chỉ là thị trường đầu tư nhiều tiềm năng với nguồn vốn lớn, mà còn là thị trường có khả năng mang tới Việt Nam những dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn - lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư.
Chia sẻ điều này, ông Nicolas Audier cho rằng, dù Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng “cơ hội không phải tự nhiên mà có”. Theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ đang quay trở lại trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù có thuận lợi là Việt Nam đang tham gia nhiều FTA với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng trong bối cảnh như vậy, để tiếp tục thu hút FDI, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi và sự minh bạch.
Chuyến đi châu Âu lần này có lẽ cũng là cơ hội để một lần nữa Thủ tướng gửi thông điệp trên tới các nhà đầu tư châu Âu. Có thể vì thế, sẽ không chỉ có thêm các thỏa thuận hợp tác mới được ký kết, mà sau đó sẽ còn nhiều hơn các khoản đầu tư từ EU dốc vào Việt Nam.