Mặc dù có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn, tuy nhiên, tranh chấp đất đai vẫn luôn là “nút thắt” trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam tại Lào.
Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào chủ yếu được cấp đất tại các rừng gỗ tạp. Tuy nhiên, sau khi bồi thường và san nền thì có người dân bản địa ra cắm cọc, làm rào và tự nhận là đất của mình.
Đây là một trong những câu chuyện phát sinh gây khó khăn cho nhà đầu tư Việt Nam nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung khi giao nhận đất đai để triển khai hoạt động đầu tư tại Lào.
Có thể bạn quan tâm
03:44, 20/06/2018
03:38, 19/06/2018
03:29, 18/06/2018
Muôn màu tranh chấp đất đai
Có thể nói, nhà đầu tư Việt Nam là một trong những nhà đầu tư tham gia vào thị trường Lào sớm nhất, ngay từ những ngày đầu thị trường này mở cửa để đón nhà đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đang là dòng vốn đầu tư lớn thứ 3 tại Lào.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, chỉ tính 5 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký đầu tư từ Việt Nam vào Lào là 80,12 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài.
Có được điều này phải kể đến một trong những hoạt động ưu đãi thu hút đầu tư của Chính phủ Lào đó là thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Cụ thể, cũng giống như Việt Nam, Lào quy định giấy phép đầu tư được cấp trong vòng 10 ngày và không quá 25 ngày đối với các dự án kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư vào Lào chắc chắn sẽ nhiều và mạnh hơn nếu như không có các khó khăn đang tồn tại về tranh chấp đất đai. Đây có thể coi là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài “nản lòng” dù thị trường này có tiềm năng như thế nào?
Là một người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và chứng kiến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, ông Đoàn Thanh Nghị, Phòng Đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư tại Lào trong quá trình sửa đổi, nên có nhiều thay đổi và chưa thống nhất, đặc biệt là lĩnh vực đất đai và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Đỉnh điểm của câu chuyện tranh chấp đất đai phải kể đến, mặc dù một số dự án trồng cao su, nhà đầu tư Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với chính quyền sở tại, tiến hành khảo sát, thăm dò cũng như xây dựng quỹ đất cho dự án. Tuy nhiên, chính quyền Trung ương sau đó lại có văn bản cho rằng, diện tích đất đó thuộc rừng nguyên sinh, khu bảo tồn, nên thu hồi lại.
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai là muôn màu, nhiều vẻ. Tuy nhiên, có một nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra đó là sự thiếu hiểu biết của người dân bản địa về pháp luật đất đai. Vì vậy họ thường sử dụng “lệ làng” đối với quyền liên quan đến đất đai và bảo vệ một cách quyết liệt.
Ngoài ra, cũng liên quan đến khó khăn trong hoạt động đầu tư tại thị trường Lào, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, thủ tục đầu tư phía Lào còn rườm rà, mất thời gian. Đặc biệt là thời gian phê duyệt và thẩm định, đánh giá tác động môi trường, phê duyệt giấy phép đầu tư còn bị chậm.
Yêu cầu từ thực tiễn
Câu chuyện tranh chấp đất đai tại xảy ra trong quá trình đầu tư đã được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam truyền tai nhau như một kinh nghiệm cần lưu ý khi đầu tư vào thị trường Lào. Câu chuyện này lại trở lên nóng hơn bởi, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, dòng vốn đầu tư giữa các nước là một xu thế tất yếu. Nếu không cải thiện môi trường đầu tư, để đáp ứng yêu cầu hội nhập và của nhà đầu tư, chắc chắn quốc gia đó sẽ tụt hậu và bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, khi nhà đầu tư Việt Nam là một trong 3 nhà đầu tư lớn vào Lào, việc cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là giải quyết tranh chấp đất đai trong hoạt động đầu tư một cách triệt để càng có ý nghĩa quan trọng hơn.
Hiện nay, hoạt động đầu tư của Việt Nam đã có mặt tại 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Dự kiến dòng vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng các yếu tố như tài nguyên, chi phí lao động thấp. Bên cạnh đó là thuận lợi ngôn ngữ khi có nhiều người Lào sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và vị trí địa lý gần gũi.
Nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn cho nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Việt Nam nói riêng, được biết, mới đây Bộ Kế hoạch và đầu tư của Lào đã có văn bản hướng dẫn chung cho các nhà đầu tư tại Lào, cũng như những quy định chính quyền cấp tỉnh và người lao động phải thực hiện. Bộ này cũng quan tâm hơn đến việc xử lý những vướng mắc, trong đó có nội dung đất đai, trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Lào.
Tuy nhiên, về phía đại diện cho Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), bà Hà Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch AVIL kiến nghị: “Chính phủ Lào xem xét, quy hoạch lại quỹ đất cũng như xác định khu vực phát triển nông nghiệp dài hạn, ưu tiên giao phía Việt Nam nghiên cứu dự án trồng cây ăn quả”.
Ngoài ra, cơ chế ưu đãi giảm 30% tiền tô nhượng đất, giảm 50% tiền thuế sử dụng đất hàng năm, hỗ trợ hạ tầng giao thông, điện, nước vào dự án... cho nhà đầu tư Việt Nam.
Liên quan đến giấy phép kinh doanh, AVIL cũng đề xuất, xem xét cấp giấy phép kinh doanh thời hạn 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay cho các dự án nông - lâm nghiệp kinh doanh tốt, phát triển ổn định.
Tuy nhiên, để các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam được đảm bảo và thuận lợi, Cục đầu tư nước ngoài kiến nghị đẩy nhanh việc ký kết và triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đồng thời sớm xây dựng các thoả thuận hợp tác mới đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.