Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong suốt 2 năm qua đã ảnh hưởng nhiều đến công tác giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đang trình Chính phủ đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN. Nếu được thông qua, đề án sẽ giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy GDNN.
Xu hướng tất yếu
Một trong những nội dung của chuyển đổi số trong GDNN là triển khai các hoạt động giáo dục trên môi trường số, giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp thông qua đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra, đánh giá.
Qua đó, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng được đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, khẳng định chuyển đổi số trong GDNN chính là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo vào các cơ sở GDNN.
Các cơ sở giáo dục tận dụng công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cung cấp điều kiện để phát triển giáo dục nghề nghiệp thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số.
Nâng chất nguồn nhân lực
Xuất phát từ yêu cầu đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng nghề, không chỉ cung cấp cho thị trường lao động trong giai đoạn trước mắt mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, một trong những giải pháp quan trọng được nhiều cơ sở GDNN chú trọng thực hiện là đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ hiện đại.
Theo đánh giá của Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp - Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, chuyển đổi số trong GDNN nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN thông qua đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra, đánh giá, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hiện nay, các cơ sở GDNN ở nước ta đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong giảng dạy, đặc biệt là với các khối ngành kỹ thuật.
Một số ngành đào tạo như cơ điện, kỹ thuật ôtô đã ứng dụng các chương trình mô phỏng, học liệu điện tử của các hãng sản xuất lớn. Nhiều cơ sở GDNN đã bắt đầu số hóa học liệu, một số trường đã hợp tác với các tổ chức bên ngoài để sử dụng thư viện số.