Có thể thấy, việc hợp tác kinh tế - thương mại gần đây có nhiều khởi sắc cũng như mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nepal đang ngày càng bền chặt hơn.
Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal Khadga Prasad Sharma Oli và Phu nhân đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nepal.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nepal đã cho biết, hiện nay nền kinh tế Nepal đang đứng trước những bước ngoặt quan trọng khi đất nước này vừa trải qua nhiều giai đoạn khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
12:20, 07/05/2019
06:00, 05/05/2019
12:00, 03/05/2019
00:29, 30/04/2019
“Sau những giai đoạn chuyển đổi chính trị, Nepal đã có chính phủ ổn định và bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ, năng lực để đưa đất nước lên một tầm cao mới; đồng thời mở ra những tiềm năng mới để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài”, Thủ tướng Nepal khẳng định.
Nhấn mạnh mối quan hệ ngoại giao gắn bó, thân thiết với Việt Nam trong thời gian qua, Thủ tướng Nepal Sharma Oli khẳng định, Việt Nam là “ngôi sao sáng” trong số các nền kinh tế mới nổi hiện nay.
Sự phát triển năng động, hiệu quả của Việt Nam cũng như sức sáng tạo, tiên phong của doanh nghiệp Việt Nam là nguồn cảm hứng với chính phủ và doanh nghiệp Nepal, từ đó thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại kinh tế giữa hai nước.
Nepal hiện đang có rất nhiều lợi thế để các doanh nghiệp thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đầu tư và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đầu tư vào Nepal đang mang lại những cơ hội mới khi còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực du lịch, năng lượng, ý tế, chuyển đổi số, giao thông vận tải…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Sharma Oli cũng cho biết thêm, với việc sở hữu thị trường tiềm năng, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí thấp, có kinh nghiệm, ngoại ngữ, đặc biệt là có năng lực về kỹ thuật số, truyền thông công nghệ thông tin, một trong những lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có nhiều kinh nghiệm sẽ là thu hút đầu tư và có cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới tại Nepal.
Với lĩnh vực thế mạnh hiện nay là du lịch, Nepal đã xây dựng hai trung tâm du lịch lớn và phát triển cơ sở hạ tầng hàng không để đón lượng lớn khách du lịch đến đất nước này trong thời gian tới.
Để theo đuổi mục tiêu đưa Nepal thành vùng đất nhiều cơ hội đầu tư, Thủ tướng Nepal khẳng định, chính phủ Nepal đã xây dựng những mục tiêu rõ ràng, tạo môi trường thân thiện, có nhiều biện pháp chính sách ưu đãi.
“Việc bảo vệ đầu tư nước ngoài được chính phủ Nepal chú trọng khi ban hành đạo luật về chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, việc đơn giản hóa quy trình thủ tục, đảm bảo dịch vụ một cửa, cho phép đầu tư nước ngoài tham gia vào hầu hết các lĩnh vực… nhằm mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho các doanh nghiệp đến với Nepal”, Thủ tướng Sharma Oli nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng Nepal kỳ vọng, nguồn tài nguyên tại Nepal rất dồi dào và còn nhiều dư địa để khai thác. Các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp Nepal để tìm hiểu cơ hội, thị trường, thúc đẩy trao đổi phái đoàn kinh doanh trong thời gian tới để đưa mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hướng tới việc nâng cao kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù những năm gần đây quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Chủ tịch VCCI đánh giá, với những sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian qua, Nepal đang trở thành địa điểm thu hút đầu tư và là địa bàn đầu tư có tiềm năng. Có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam có tính cạnh tranh cao và xuất khẩu sang Nepal bên cạnh các mặt hàng nông sản truyền thống hiện nay.
"Hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo. Tại Nepal cũng đã có các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh nhưng vẫn chỉ là con số rất nhỏ. Đây là điểm hạn chế khi nhiều lĩnh vực vẫn còn bỏ ngỏ", TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
Cụ thể, Chủ tịch VCCI cho biết thêm, hợp tác trong lĩnh vực du lịch tâm linh là lĩnh vực có tiềm năng đặc biệt. Ngày càng có nhiều khách du lịch, phật tử Việt Nam đến Lumbini, nơi sinh của Đức Phật để chiêm bái và thám hiểm dãy núi Everest.
Hiện nay, sau khi VCCI đã kí thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại Nepal, hai bên đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong giai đoạn phát triển mới với nhiều biến động, Chủ tịch VCCI mong muốn, doanh nghiệp Việt Nam – Nepal tiếp tục là những đối tác kinh doanh bền vững. Quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ là hình mẫu của tinh thần hợp tác nhân văn.
Việt Nam và Nepal thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975 và duy trì mối quan hệ ngày càng tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thường xuyên duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị cho đến thương mại.
Nhiều đoàn của Nepal đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn doanh nghiệp, đặc biệt, việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VCCI và Phòng thương mại và công nghiệp Nepal đã góp phần thúc đẩy và gắn kết hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại hai nước.
Điều này tạo ra cơ hội và tiền đề vững vàng để cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động thương mại và kinh doanh. Kim ngạch thương mại hai chiều từ năm 2016, 2018 trung bình đạt từ 40 – 41 triệu USD.
Trong đó, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nepal gồm: hạt tiêu, chất dẻo, nước uống đóng chai, sản phẩm hóa chất, máy vi tính, điện tử, cơm dừa, cao su, gạo, linh kiện ô tô, sản phẩm dệt may, hàng đông lạnh... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nepal với số lượng rất ít nguyên liệu dệt may, da và giày.