Chính trị

Đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Hằng Thy 08/11/2024 11:59

Tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, phát huy vai trò kết nối hai nền kinh tế.

Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần; đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6/148 của Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới ở Việt Nam.

ttg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc sáng 8/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc diễn ra sáng 8/11, nhiều ý kiến thống nhất, cho rằng, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp là yếu tố hết sức quan trọng, tạo những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Để cụ thể hóa các cam kết, nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nhà nước, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam là hết sức quan trọng.

Đặc biệt, lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã thống nhất nâng tầm Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm "6 hơn". Trong đó, với nội dung thứ 3 "hợp tác thực chất sâu sắc hơn", hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đã trở thành một điểm sáng và trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Theo số liệu tại buổi tọa đàm, lũy kế đến hết tháng 10/2024, Trung Quốc có gần 5.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 30 tỷ USD. 9 tháng năm 2024, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới và đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư đăng ký. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 190,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, tiềm năng hợp tác giữa Trùng Khánh với các địa phương Việt Nam còn rất lớn và rộng mở. Đặc biệt, trong chuyến công tác lần này của Thủ tướng, với việc hai bên đã chính thức xác nhận thành lập Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh, giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa Trùng Khánh, các địa phương lân cận với các địa phương Việt Nam sẽ phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc, thực chất, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân hai bên.

Còn theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những kết quả này chưa tương xứng với quan hệ tốt đẹp, cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, rất cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nữa.

Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về những yếu tố nền tảng, các định hướng lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại và hội nhập, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội…

Theo đó, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Việt Nam xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách quốc phòng 4 không, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để nhà đầu tư yên tâm làm ăn ổn định, lâu dài.

Cùng với đó, phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện quốc tế hóa các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng lưới an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược và đào tạo nhân lực chất lượng cao, theo định hướng "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh"; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, “cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với 65 thị trường hàng đầu thế giới. Do đó, đầu tư vào Việt Nam sẽ có cơ hội với 65 thị trường trên thế giới, Thủ tướng nói.

Đầu tư vào Việt Nam sẽ có cơ hội với 65 thị trường hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Năm 2023, Việt Nam thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong 10 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 27,3 tỷ USD tăng 2,0%; vốn FDI thực hiện đạt 19,6 tỷ USD, tăng 8,8%.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh, phát huy vai trò kết nối 2 nền kinh tế, cả về kết nối cứng, kết nối mềm, kết nối giao thông, hạ tầng viễn thông…, góp phần cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết, nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, cùng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho hai nước và nhân dân hai nước, cùng nhau phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam - Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO