Số tiền 300 tỉ đồng không phải là quỹ hỗ trợ phát triển, theo Luật Du lịch đây là vốn điều lệ được bảo tồn phát triển, gửi ở ngân hàng.
>>Năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tụt hạng: Cục Du lịch Quốc gia lý giải ra sao?
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) về số tiền 300 tỉ đồng quỹ phát triển du lịch vẫn nằm trong tài khoản, chiều 5/6.
Đại biểu Trần Chí Cường cho biết, để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm bố trí nguồn lực theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 với số tiền 300 tỉ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, song đến nay số tiền này vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết số tiền 300 tỉ đồng không phải là quỹ hỗ trợ phát triển mà theo Luật Du lịch, đây là vốn điều lệ được bảo tồn phát triển nên được gửi ở ngân hàng. Trong đó, phần lãi đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy; phần xúc tiến hoạt động du lịch sẽ do Chính phủ cấp theo tỉ lệ % đóng góp của ngành du lịch thông qua phí, vé đã thu.
"Việc nhận 300 tỉ đồng với số lãi được chi cho công tác hành chính, bộ máy theo đúng quy định cũng như được kiểm soát bởi Kho bạc Nhà nước", Bộ trưởng Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận do đây là vấn đề mới, hoạt động theo mô hình dân lập và đơn vị sự nghiệp công lập, khó trong hoạt động nên có vướng mắc. “Vì vậy, Bộ sẽ quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, báo cáo đánh giá tác động để xem xét sửa đổi của quỹ này, đưa quỹ vào hoạt động phục vụ tốt hơn về quảng bá du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
>>Từng bước mở rộng không gian du lịch tại Hội An
>>Đà Nẵng tung loạt chương trình, sản phẩm mới để kích cầu du lịch
Phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng nếu giao quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho Bộ, sau đó Bộ gửi tiền vào ngân hàng thì không cần Ban quản lý quỹ.
“Việc quản lý tiền của quỹ này nên giao cho Bộ, với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước. Việc quản lý quỹ này có thể giao cho Văn phòng Bộ”, đại biểu Nguyễn Văn Thân đề xuất.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cũng đề nghị Bộ trưởng đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch? “Nhiệm vụ của quỹ có trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước hay không?”, đại biểu Hoàng Ngọc Định đặt câu hỏi.
Trao đổi đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Luật Du lịch có hiệu lực từ 2018 còn quỹ phát triển du lịch được hình thành từ 2021. Quỹ này phải có bộ máy và điều lệ hoạt động do Thủ tướng phê duyệt. Hoạt động theo mô hình vừa doanh nghiệp vừa là đơn vị sự nghiệp công lập.
Thời gian qua, Bộ trưởng nhận thấy nhiều bất cập. Số tiền 300 tỉ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch, mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước. Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy, tổ chức hoạt động.
“Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hàng năm, mức này khoảng 5-10%. Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì Bộ Tài chính cấp ít”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn, mặc dù đã thay chủ tịch, giám đốc quỹ nhưng vẫn “không ổn" vì có tiền mà không tiêu được". Phần tiền quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. Mặc dù, cách điều hành đôi lúc còn chỗ này, chỗ kia chưa được, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ".
Có thể bạn quan tâm
10:09, 05/06/2024
09:57, 05/06/2024
02:30, 05/06/2024