Bất cập, lạc hậu, sơ sài và cẩu thả… là nhận xét của các ĐBQH tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Kiến trúc, sáng 8/11.
Theo ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), tại nhiều quốc gia họ không đặt nặng vấn đề kiến trúc xấu hay đẹp, đúng hay sai, quan trọng hơn người ta quan tâm đến chất lượng đào tạo kiến trúc sư, nhà nước quản lý những người này sau khi ra trường tham gia hội nghề nghiệp. Còn sản phẩm của những kiến trúc sư này đẹp hay xấu, được xã hội chấp nhận lại là câu chuyện khác, nhà nước không can thiệp vào vấn đề đó.
Sản phẩm kiến trúc có tính đặc thù
Ví dụ, người dân khi xây nhà có thể thuê kiến trúc sư, trong thẩm mỹ và trình độ nhận thức của người dân, nếu họ thấy nhà nào đẹp thì họ thuê thiết kế, nhà nước không thể bắt “mặc áo đồng phục” cho căn nhà đó. Chỉ có một số phạm vi liên quan đến quy định của nhà nước ở khu bảo tồn di tích theo luật di sản thì mới áp dụng, còn không chỉ xoay quanh 2 nội dung như tại khoản 8 đó là hoạt động kiến trúc bao gồm về quản lý và hành nghề kiến trúc.
“Theo tôi, sản phẩm kiến trúc có tính chất đặc thù, đây là hoạt động nghệ thuật, phụ thuộc chất xám, trong khi chúng ta không thể đánh giá hết được chất xám của kiến trúc sư đó là cao hay thấp, xấu hay đẹp, ở đây phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người”, ông Nhân nói.
Do đó, theo ông Nhân, nếu phải cấp chứng chỉ, yêu cầu Sở Xây dựng phải thẩm định, sau 10 năm phải đánh giá trở lại, và trong 10 năm đó phải liên tục học tập để nâng cao trình độ là quy định rất bất cập.
Trong thực tế, ở trong nước có nhiều kiến trúc sư không được đánh giá cao nhưng khi tham gia các cuộc thi quốc tế thì lại được đánh giá cao. Vì vậy, người thẩm định hay cơ quan được giao thẩm định là Sở xây dựng thì tiêu chí nào đưa ra rằng các thành viên trong hội đồng thẩm định có đủ năng lực thẩm định và cấp chứng nhận chứng chỉ hành nghề này.
Ông Nhân quan tâm đặc biệt đến Điều 30 trọng dự án luật này, đó là vấn đề quản lý nhà nước về kiến trúc. Ở đây có đề cập đến khá nhiều vấn đề thông tin liên thông của kiến trúc sư đó. Tức là khi tham gia hội nghề nghiệp, nếu hết thời gian hành nghề thì phải nộp một bộ hồ sơ với rất nhiều loại giấy tờ trong đó để được xem xét cấp gia hạn. Tôi thấy rằng, thời điểm này mà còn yêu cầu kiến trúc sư làm thủ tục để gia hạn thì rõ ràng chúng ta chẳng quản lý gì cả. Nếu có quản lý theo hội nghề nghiệp hay phân cấp ở địa phương thì biết ngay vị kiến trúc sư này đang tham gia ở đâu và đã được cấp ở thời điểm nào. Với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì việc kiểm tra đó dễ dàng như “trở bàn tay”.
Trùng lặp và sơ sài
Trong khi đó, đến thời điểm hết gia hạn trước 15 ngày thì phải chuẩn bị một bộ hồ sơ là một quy định đi “giật lùi” một cách “khủng khiếp” về khâu quản lý hành chính. Tóm lại, theo quan điểm của ông Nhân, dự thảo luật này còn nhiều nội dung khá lạc hậu. Đơn cử, như vấn đề tác quyền nhưng chúng ta hoàn toàn không có lưu trữ các thông tin đó và ai đảm bảo không vi phạm tác quyền và cắt đi tác quyền và làm sao đối chiếu ở địa phương này với địa phương khác, hay với người dân này với người dân khác. Chúng ta cũng không loại trừ được việc các ý tưởng có thể trùng nhau, các kiến trúc sư học cùng trường cũng có thể ra một bản thiết kế trùng nhau.
Nhưng việc giám sát tác quyền với những công trình trọng điểm với quy mô lớn thì khó có thể nói được ý tưởng của kiến trúc sư trùng nhau. Tuy nhiên, với nhà của người dân, khi đi ngang qua thấy một ngôi nhà xây đẹp thì về tự vẽ rồi thuê người thiết kế, thi công thì liệu có bị quy chụp là lấy cắp bản quyền hay không?
“Đây là câu chuyện rất khó, nhưng nếu đã đề cập rồi thì phải nói cho đến tận cùng, còn không nên bỏ nội dung này đi”, ông Nhân kiến nghị.
Còn theo ĐBQH Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), khâu chuẩn bị trình Luật Kiến trúc ra Quốc hội quá sơ sài và cẩu thả, có nhiều nội dung trùng lặp. Đánh giá về Điều 13 với nội dung hội đồng kiến trúc quốc gia, bà Hằng phân tích, trong nội dung có ghi hội đồng này làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy ở đây có cần quy định rõ tính pháp lý, nghĩa vụ quyền hạn của hội đồng này hay không, nhằm tránh tình trạng khi thành lập ra hội đồng chỉ mang tính hình thức, gây lãng phí ngân sách.