Việc ban hành Dự thảo Nghị quyết này là cần thiết, có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn, chính trị, pháp lý, có tính khả thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Đây là ý kiến của ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) tại phiên thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Phù hợp với hệ thống pháp luật
Theo ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Thứ nhất, nếu như bộ máy chính quyền, đặc biệt với chính quyền đô thị ở cấp phường càng cồng kềnh bao nhiêu thì càng trì trệ, kém hiệu quả, hiệu lực bấy nhiêu. Cho nên, nếu thu gọn lại, không tổ chức HĐND cấp phường thì sẽ giúp tinh gọn đầu mối và hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của mình.
Thứ hai, chúng ta tổ chức làm thí điểm trên một đô thị rất đặc biệt, vì đây là thủ đô. Tại đô thị đặc biệt này, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, trong khi có những quy định liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền chưa thật sự phù hợp. Cho nên, nếu Nghị quyết được thông qua sẽ giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn.
Có thể bạn quan tâm
14:13, 29/10/2019
15:34, 25/10/2019
11:01, 25/10/2019
05:00, 24/10/2019
Thứ ba, năm 2017 và 2019 Bộ Chính trị đã có 2 kết luận rất quan trọng là số 22 và số 46, trong đó có chỉ đạo thực hiện việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn TP Hà Nội.
Với câu hỏi việc thí điểm này có phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước không? Theo ông Hà, Nghị quyết này phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật, nhất là với Hiến pháp mới năm 2013. Bởi lẽ, trong kết luận 64 của hội nghị Trung ương 7 khóa XI cũng đã đề cập đến vấn đề này. Trong Hiến pháp 2013 tại điều 111 cũng đã có quy định về vấn đề này. Gần đây, tại Nghị quyết số 56/2017 của Quốc hội cũng đã xác định đối với những việc mới mà chưa có quy định.
Như vậy, với cơ sở chính trị, pháp lý nêu trên, theo ông Hà "việc ban hành Nghị quyết này là phù hợp với chủ trương của đảng, Hiến pháp mới 2013 và hệ thống pháp luật của Việt Nam".
Còn về băn khoăn liệu Nghị quyết này có tính khả thi hay không, nó có thực sự bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND phường hay không? Về vấn đề này, ông Hà khẳng định, Nghị quyết này có tính khả thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND phường. Bởi 4 lý do sau.
Nghị quyết có tính khả thi
Một là, chúng ta thực hiện chính quyền 2 cấp giữa thành phố và quận, thị xã là cấp chính quyền đầy đủ, có HĐND, UBND. Đồng thời, đổi mới cơ quan chuyên môn của thành phố, quận, huyện, thị xã phù hợp với tính chất của đô thị. Phù hợp với phân cấp, ủy quyền giữa thành phố với các cơ quan chuyên môn và UBND quận, thị xã.
Hai là, theo quy định tại điều 61 Luật tổ chức chính quyền địa phương, HĐND phường có 7 thẩm quyền, những nội dung này sẽ được điều chỉnh để chuyển cho HĐND, UBND quận, thị xã. Qua rà soát, còn một số luật chuyên ngành quy định về thẩm quyền của HĐND các cấp như luật ngân sách nhà nước, luật tiếp công dân, luật Đầu tư công…cũng đã được rà soát, điều chuyển cho HĐND quận, thị xã bảo đảm thực hiện thống nhất, phù hợp với quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý công việc của UBND phường.
Ba là, nhiệm vụ chính của UBND phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý nhà nước cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của UBND quận, thị xã. Cho nên Nghị quyết này có tính khả thi.
Bốn là, về hồ sơ của dự án này rất đầy đủ,công phu, chuẩn bị chu đáo trong một thời gian dài. Trong đó, có phân tích rõ về lý luận, đánh giá đúng thực tiễn trên địa bàn thủ đô. Đồng thời, thể hiện đúng chủ trương đường lối của đảng trong các nghị quyết cũng như thể chế hóa đúng quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với hệ thống pháp luật của chúng ta.
Trao đổi về sự lo lắng của một số ý kiến là chúng ta mới thí điểm năm 2008, mới được hơn 10 năm đến hôm nay lại thí điểm. Vậy lần thí điểm lần này có gì khác so với năm 2008?
Ông Hà cũng phân tích 5 điểm khác cơ bản.
5 điểm khác biệt
Thứ nhất, lần thí điểm 2008 là để chúng ta tổng kết, sửa đổi Hiến pháp. Thời điểm đó chưa có Hiến pháp năm 2013, cho nên lần thí điểm này khác căn bản, đó là để chúng ta triển khai thi hành Hiến pháp mới năm 2013.
Thứ hai, về phạm vi, năm 2008 chúng ta thí điểm trên 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố. Nhưng lần này thí điểm trên phạm vi rất gọn, chỉ có 177 phường của TP Hà Nội, trong thời gian rất cụ thể, đó là nhiệm kỳ 2021 -2026.
Thứ ba, trước đây việc không tổ chức HĐND phường theo đề án của năm 2008, chính quyền tỉnh, thành phố vẫn gồm 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Nhưng lần thí điểm này chỉ còn 2 cấp đối chính quyền đô thị (thành phố, quận, thị xã).
Thứ tư, trong thí điểm 2008, chủ tịch UBND quận trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức với chủ tịch, phó chủ tịch ủy viên UBND. Trong lần thí điểm này, UBND phường theo mô hình đề án chính quyền đô thị TP Hà Nội là cơ quan hành chính đại diện của UBND quận, thị xã. UBND phường hoạt động theo chế độ tập thể nhưng đề cao thẩm quyền trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND trong quản lý, điều hành hành chính. Việc sắp xếp, bố trí, bố trí lại cán bộ công chức chuyên môn ở UBND các phường thì hợp lý hơn, gắn với việc triển khai các nghị quyết hội nghị trung ương 6, 7 khóa XII hơn.
Thứ năm, theo thí điểm năm 2008, UBND phường vẫn được thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao cho UBND cấp phường theo luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003. Còn đối với UBND phường theo đề án thí điểm mới này, do là đơn vị hành chính thuộc UBND quận, thị xã nên UBND phường không phải là một cấp chính quyền và chỉ thực hiện các nhiệm vụ do chủ tịch UBND quận, thị xã phân cấp, ủy quyền và thực hiện một số nhiệm vụ theo thẩm quyền, bảo đảm công tác quản lý nhà nước trên địa bàn dân cư.