"Cá nhân tôi có điểm băn khoăn, tiêu chuẩn của hòa giải viên là với những người làm thẩm phán, kiểm sát viên thì có thể được bổ nhiệm, còn luật sư thì phải cần tới 10 năm".
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chia sẻ bên hành lang Quốc hội với DĐDN về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Nguyễn Việt
- Ông đánh giá thế nào về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện nay?
Trước tiên chúng ta phải hiểu hòa giải, đối thoại là do một bên thứ ba trung lập để giúp cho các bên thỏa thuận với nhau, quá trình trợ giúp kéo dài từ đầu đến cuối. Chỉ có một điểm khác, hòa giải tại tòa án là hòa giải ngoài tố tụng nhưng lại ở trong tòa án, gắn bó với hoạt động của tòa án. Điều này khác với hòa giải tại các cơ sở dân cư. Hòa giải dân cư là do các ban công tác mặt trận hòa giải, còn hòa giải tại tòa là do những hòa giải viên được chánh án tối cao bổ nhiệm thì có tư cách pháp lý.
Có thể bạn quan tâm
22:54, 03/10/2019
03:30, 02/10/2019
13:26, 14/09/2019
Điểm mới của Luật Hòa giải là gắn với tòa án. Đã gắn với tòa án thì sẽ gắn liền với quá trình xét xử từ khi tiến hành thụ lý vụ việc tại tòa án. Như vậy, sẽ gắn thủ tục hòa giải với thủ tục tố tụng và có ngay lập tức thẩm phán theo dõi quá trình hòa giải, đồng thời ra các quyết định hòa giải thành nếu các bên hòa giải với nhau.
Theo tôi đây là điểm tiến bộ, tuy nhiên phải hết sức lưu ý một điểm mà trong luật đã có dự liệu. Đó là, các kết quả hòa giải không được phép đưa vào quá trình xét xử, bởi vì quá trình hòa giải là một quá trình đưa ra các vấn đề không cần thiết phải có chứng cứ.
Ví dụ, nếu người được hòa giải đồng ý với hòa giải viên cái này thì hòa giải viên sẽ đồng ý cái kia. Nhưng nếu hòa giải không thành mà hòa giải viên lại đưa vào bản khai người được hòa giải đã khai thì sẽ gây bất lợi cho người được hòa giải.
- Dù hòa giải như thế nào thì cũng vẫn cần phải đảm bảo được tính khách quan, thưa ông?
Khi tôi cùng đi giảng bài về hòa giải với thẩm phán tối cao của Úc, giảng viên bên đó có nói, thẩm phán phụ trách hòa giải thì không được đội mũ của thẩm phán xét xử. Vì hòa giải viên vừa phụ trách hòa giải, sau đó lại ngồi vào xét xử chính vụ án đó thường sẽ có định kiến trong quá trình xét xử.
Đây là điểm yếu mà chúng ta chưa đề cấp đến trong luật, theo quan điểm cá nhân tôi, có thể khẳng định điểm này có tính chất mấu chốt mà nhiều nước đã phải rút kinh nghiệm rất nhiều.
-Cụ thể vấn đề này cần phải hiểu như thế nào, thưa ông?
Ở đây có hai “mũ”, một là mũ hòa giải, hai là “mũ” xét xử. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau.
- Có một vấn đề mà cử tri, đặc biệt với những cử tri “có nghề” trong các lĩnh vực pháp luật băn khoăn, đó là tiêu chuẩn của các hòa giải viên hiện nay, thưa ông?
Cá nhân tôi cũng băn khoăn. Đơn cử, tiêu chuẩn của hòa giải viên là nếu những người làm thẩm phán, kiểm sát viên thì có thể được bổ nhiệm, còn luật sư thì phải cần tới 10 năm.
Câu chuyện ở đây rõ ràng là có vấn đề. Thẩm phán khi xét xử các vụ dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình hoặc trong quá trình xử vụ án hành chính… thì phải có hòa giải tố tụng. Hòa giải tố tụng là hòa giải trong tố tụng bắt đầu từ quá trình xét xử toàn bộ quá trình chuẩn bị xét xử theo luật tố tụng thì có hòa giải. Nhưng thẩm phán chuyên ngành hình sự trong các vụ hình sự thì rất ít hòa giải.
Như vậy ở đây đang có sự đánh đồng trên một mặt bằng để cùng đưa vào thành một người hòa giải là không hợp lý.
Ngoài ra, các luật sư thông thường là những người rất giỏi trong lĩnh vực thỏa thuận và hòa giải, vậy tại sao phải đòi hỏi họ 10 năm. Vấn đề này cần phải được trả lời. Ở các nước, thông thường phải lấy luật sư làm thẩm phán, luật sư từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm hoặc xem xét bổ nhiệm làm thẩm phán nếu có hạnh kiểm tốt. Vì luật sư phải đi thuyết phục người khác, dẫn dắt các bên, nghiên cứu kỹ và thậm chí còn phải thỉnh cầu, thì họ xứng đáng làm hòa giải tốt hơn một thẩm phán hình sự.
Điều băn khoăn tiếp theo là một số thẩm phán khi đã rời tòa án như nghỉ hưu cũng tham gia vào quá trình hòa giải hoặc làm kiểm sát viên… thì có khả năng lại trở thành nơi “móc ngoặc” với các thẩm phán. Liệu điều này có thể ngăn chặn được hay không và cần có biện pháp gì để ngăn chặn?
Bên cạnh đó là quá trình phân công hòa giải viên, nên phân công theo biện pháp ngẫu nhiên, không nên phân công theo danh sách. Ngẫu nhiên là như thế nào? Khi tôi đi khảo sát và học tập tại Philippines họ thường làm động tác ngẫu nhiên bằng cách, khi một người thụ lý sẽ được đưa đến phòng hành chính tư pháp, tại phòng này có một hộp bốc thăm đựng tên các thẩm phán được đưa vào trong quá trình giải quyết. Ví dụ, nếu có 10 thẩm phán thì có tên 10 người trong hộp bốc thăm và tự bốc thăm.
Sau đó sẽ có bộ phận cán bộ đến điều tra xem thẩm phán này có người thân trong vụ án này hay không, tức là người ta kiểm tra xem thẩm phán có ở diện hồi tỵ hoặc cáo tỵ hay không. Nếu không có thì người đó sẽ được trực tiếp thực hiện. Như vậy, hòa giải viên phải được lựa trọn theo cách của thẩm phán của một số nước, không nên lựa chọn theo hình thức phân công. Tuy nhiên, quy định hay luật nào cũng cần phải có thời gian để đánh giá, sau đó có sơ kết, tổng kết để hoàn thiện dần.
- Trân trọng cảm ơn ông!