Những bất cập từ cơ chế chính sách, sự thiếu kịp thời, không đồng bộ, thậm chí “trói buộc” đã kìm hãm sự phát triển đất nước.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Diên (đại biểu tỉnh Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Địa phương vừa làm vừa lo
Ông Diên nói, đơn cử, Luật Đầu tư công hay PPP, ngay gần đây Nghị quyết của Quốc hội cho rằng, BOT chỉ là những công trình đầu tư mới, còn những công trình cũ, nếu có nâng cấp cũng không nên tổ chức thu phí, như vậy sẽ rất phiến diện và không đúng thực chất. Bởi vì BOT có phần vốn của nhà đầu tư, vốn nhà đầu tư bỏ ra ở đâu thì có quyền thu ở đó. Đo đó, cần tạo ra một nhận thức thống nhất trong xã hội thì mới huy động được nguồn lực và như vậy mới nhất quán, ông Diên đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
18:09, 22/05/2019
11:22, 21/05/2019
09:00, 20/05/2019
15:47, 17/05/2019
Ông Diên đặt giả thiết, nếu ngân sách thì không có, nhưng hạ tầng giao thông xuống cấp, muốn nâng cấp phải có vốn. Nhà nước không có vốn thì phải huy động ở những khu vực ngoài nhà nước, huy động đến đâu thu đến đấy, vấn đề là tổ chức quản lý như thế nào cho hài hòa lợi ích các bên.
"Hay như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai cho phép nếu đất chưa giải phóng mặt bằng thì cho đấu thầu dự án, còn đã có mặt bằng sạch thì đấu giá quyền sử dụng đất. Luật đã quy định rất rõ như vậy nhưng trên thực tế tại các địa phương khi triển khai dự án có sử dụng đến đất, đặc biệt dự án về đô thị thì thường bị “mắc”. Trong quá trình thanh tra, kiểm toán cũng rất khó khăn, thậm chí “nhiêu khê”, điều này dẫn đến các địa phương vừa làm vừa lo, dè dặt, từ đây dẫn đến bị kéo tụt tốc độ tăng trưởng". Ông Diên nhấn mạnh.
Theo đó, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước có nhiều cơ hội hơn nữa trong đầu tư các dự án lớn, nhưng đôi khi chúng ta lại nặng về vốn FDI, trông chờ vào nguồn vốn từ bên ngoài. Ông Diên đánh giá, vốn bên ngoài cũng rất quan trọng, nhưng nếu nghiêng quá nhiều vào FDI hay nguồn vốn bên ngoài, đến một lúc nào đó nhìn lại, đánh giá thực lực nền kinh tế trong nước sẽ như thế nào? “Chủ trương có nhưng chính sách phải kịp thời, rõ ràng, đồng bộ và phải đủ sức thông thoáng thì mới giải quyết được việc thu hút nguồn vốn từ trong nước”, ông Diên nói.
Vẫn còn nhiêu khê, rườm rà
Đánh giá về cải cách thủ tục hành chính, theo ông Diên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên chính phủ rất quyết liệt, nhưng dưới cấp thực hiện đang có “vấn đề”. Trong khi đó, tại nhiều địa phương không có chuyện nhũng nhiễu, nếu có thì Bí thư hay Chủ tịch tỉnh, thậm chí Giám đốc Sở có thể xử lý được ngay. Nhưng với các cơ quan Bộ ngành Trung ương còn nhiều vấn đề, có những việc địa phương bị vướng hay gặp khó khăn thì mới đi lên Trung ương hỏi, nhưng đồng ý hay không đồng ý cũng không trả lời. Địa phương có việc trên giao thì kiểm tra từng tháng, từng tuần xem việc đã làm đến đâu, nhưng với các cơ quan Trung ương thì lại không có nghĩa vụ trả lời.
Thái Bình là tỉnh được Trung ương giao cùng với Hà Nam xử lý tích tụ đất đai nông nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đề án đã được lập ra hơn 2 năm nay, Thủ tướng cũng không dưới 2 lần kết luận, thậm chí còn ra Thông báo kết luận, nhưng đến nay vẫn không được trả lời là có hay không.
Đánh giá về lĩnh vực hạ tầng, ông Diên cho biết, đường xá đi đến đâu thì kinh tế - xã hội phát triển đến đấy. Thế nhưng nhìn lại đến bây giờ thì vẫn thấy bế tắc, vì vốn đầu tư công hiện nay rất nhỏ giọt, từ tổng mức đầu tư đến sử dụng đồng vốn là vô cùng khó khăn, bởi bị vướng các thủ tục nhiêu khê, rườm rà.
Ông Diên nêu ví dụ: "Cũng là dự án sân bay, bến cảng thì tại sao chỉ có 25 tháng thì tư nhân làm được sân bay Vân Đồn với quy mô không nhỏ, công suất cũng không thua kém các sân bay khác trong khu vực. Trong khi, sân bay do nhà nước đầu tư thi loay hoay 4 - 5 năm nay, và cho đến nay mới đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư chắc “còn lâu”, ông Diên nói.