ĐBQH Trần Văn Lâm: Kinh tế tăng trưởng thì không thể nói thiếu nguồn thu

Nguyễn Việt 22/10/2019 18:11

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng huy động nguồn thu vào ngân sách lại gặp khó khăn. Đây có thể được nhìn nhận là sự yếu kém trong việc điều chỉnh chính sách.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đánh giá về thu chi tài chính ngân sách trong năm 2018, tại thảo luận ở tổ, chiều 22/10.

Theo đó, cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, chi đầu tư tăng lên, chi thường xuyên giảm xuống, bội chi, nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện, nâng dần lên đến hệ số an toàn. Trong năm 2018 có nhiều điểm sáng, như thu – chi ngân sách đạt kết quả khá toàn diện, thu vượt 3,3%, tăng hơn 10% son với năm 2017.

Các ĐBQH thảo luận tại tổ chiều 22/10. Ảnh: Nguyễn Việt

Các ĐBQH thảo luận tại tổ chiều 22/10. Ảnh: Nguyễn Việt

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần đặt ra để xem xét kỹ. Đơn cử, tỉ lệ huy động từ thuế, phí/GDP vào ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm xuống. Từ hơn 21% đến năm 2019 còn 20,4%, dự kiến năm 2020 còn hơn 19%. Tức là tỉ lệ huy động từ thuế, phí/GDP ngày càng thấp.

Thuế, phí/GDP có xu hướng giảm

“Kinh tế tăng trưởng thì không thể nói thiếu nguồn thu. Vấn đề là chính sách như thế nào để thu vào ngân sách. Đây là điều chúng ta vẫn chưa làm được, dẫn đến không có cơ sở thu nên tỉ lệ ngày càng giảm xuống”, ông Lâm nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội lo lắng về đầu tư FDI

    17:58, 22/10/2019

  • Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020

    17:19, 22/10/2019

Ông Lâm lý giải, nguồn thu tăng từ nguồn không thường xuyên và thiếu tính ổn định như đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xổ số… Nguồn thu ổn định là phải thu từ nền kinh tế như thuế, phí, nhưng có điều nguồn thu này đang có xu hướng giảm. Ở đây có sự bất cập về chính sách, điều chỉnh chính sách không kịp thời.

Bởi theo ông Lâm, trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã thực hiện một loạt các cam kết quốc tế điều chỉnh giảm thuế. Khi điều chỉnh khoản giảm này thì sẽ phải điều chỉnh tăng thu ở chỗ khác để đảm bảo khả năng điều tiết vào ngân sách. Nhưng chính sách của chúng ta chưa nghiên cứu, tính toán và xác định giảm chỗ này thì tăng chỗ nào, chính sách ra sao để thu đạt yêu cầu. “Vấn đề này chúng ta loay hoay chưa giải quyết được, và sang năm 2020 tỉ lệ này còn tiếp tục giảm, có thể xuống 19,4%. Đây là vấn đề cần đặt ra ngay từ bây giờ”, ông Lâm bày tỏ.

Vẫn theo ông Lâm, trong báo cáo Chính phủ có nói đến nợ công giảm, tuy nhiên việc giảm này xuất phát một phần từ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không đạt yêu cầu. “Vì không đạt yêu cầu nên nợ vay nước ngoài của chính phủ giảm xuống. Mặc dù thành tích là giảm nợ công, nhưng đi sâu tìm hiểu thì lại là yếu kém và làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của đất nước”, ông Lâm cho biết.

Về vấn đề giao dự toán 2020, Chính phủ có đề xuất một số vấn đề cần Quốc hội cho ý kiến, về cơ bản ông Lâm đồng tình, nhưng có một số điểm cần phân tích làm rõ. Cụ thể, giao Chính phủ quy định việc thu, nộp, sử dụng phí đường bộ thông qua đầu phương tiện ô tô.

Thực tế qua giám sát ông Lâm nhận thấy, hiện nay các địa phương vẫn còn quỹ bảo trì đường bộ, quỹ này hiện nay chỉ còn một nguồn thu duy nhất đó là phân bổ từ trung ương về. Tuy nhiên, vấn đề này đang “mập mờ”, vì nếu phân bổ và sử dụng kịp thời phục vụ cho bảo trì đường bộ thì rất tốt. Nhưng khi đã thu vào ngân sách và chờ phân bổ thì phải tuân theo các quy định của luật ngân sách. Cho nên quá trình phân bổ cũng tương tự như việc phân bổ các nguồn ngân sách khác, do đó không nhất thiết tồn tại quỹ này.

“Nếu quỹ này chịu sự phân bổ như một khoản chi ngân sách, thu về rồi phân bổ ra thì không nhất thiết có quỹ này, vì sẽ phải mất thêm chi phí quản lý cồng kềnh cho quỹ này. Trong khi đó, quỹ này không có tác dụng gì, vì sử dụng như một khoản chi ngân sách”, ông Lâm bày tỏ quan điểm.

1% chỉ như “muối bỏ bể”

Về khoản chi môi trường 1%, ông Lâm cho biết hiện nay nhiều địa phương không chi hết, cuối cùng đề xuất chuyển sang cho chi xây dựng cơ bản, như xây dựng nhà máy rác… Theo ông Lâm, 1% chi cho xử lý môi trường chỉ như “muối bỏ bể”, thế nhưng chỉ có 1% chi thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường lại không “chi hết”. "Phải chăng ở đây có sự yếu kém trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường hay là sự thờ ơ của các cấp, các ngành trong vấn đề xử lý môi trường?" - ông Lâm đặt câu hỏi.

“Tiền có mà không biết tiêu, cuối cùng phải đẩy sang đầu tư xây dựng cơ bản. Trong khi, muốn tiêu tiền trong xây dựng cơ bản thì thủ tục lại phức tạp nên không tiêu hết. Cuối cùng phải hợp lý hóa cho tiêu hết. Đây là điểm bất hợp lý”, ông Lâm cho biết.

Và theo ông Lâm nguồn ngân sách chi cho môi trường cần phải tăng hơn nữa, nhưng chi cho đầu tư xây dựng cơ bản của lĩnh vực môi trường để phục vụ công tác bảo vệ môi trường phải độc lập, không thể đưa chi thường xuyên sang chi xây dựng cơ bản.

Với đề án phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc, miền núi, ông Lâm bày tỏ băn khoăn, đó là đến năm 2025 tăng 2 lần thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số. Từ năm 2025 đến 2030 tăng 2,5 lần. Liệu mục tiêu này có khả thi hay không?

Theo ông Lâm, tỉ lệ tăng thu nhập bao giờ cũng thấp hơn tỉ lệ tăng GDP, nhưng mục tiêu lại đặt ra tăng gấp 2 lần thì bình quân mỗi năm phải tăng 15% thu nhập. Tức là GDP phải tăng trên 15% tại những địa bàn dân tộc miền núi. Từ năm 2025 đến 2030 tăng 2,5 lần thì GDP bình quân mỗi năm phải tăng trên 20%. “Đây là những vấn đề cần xem xét lại, nếu chủ quan duy ý chí, tính toán ước lượng đại khái, triển khai hình thức, chắp vá thông tin đắp vào cho đẹp để báo cáo thành tích thì rất nguy hiểm vì rơi vào bệnh hình thức”, ông Lâm đề nghị tính toán lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ĐBQH Trần Văn Lâm: Kinh tế tăng trưởng thì không thể nói thiếu nguồn thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO