Nguyên nhân nợ thuế không phải do người dân không nộp, mà số tiền nộp chậm, tiền phạt do nộp chậm tăng quá nhanh.
Đây là đánh giá của ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) tại phiên họp tổ về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, chiều 22/10.
Theo ông Tiến, tiền nợ thuế từ năm 2018 sang đến năm 2019 đã tăng lên 8,2%. Nguyên nhân tăng không phải do người dân không nộp, mà số tiền nộp chậm, tiền phạt do nộp chậm tăng quá nhanh. Đơn cử, tiền phạt nộp chậm là 0,03%/ngày, nếu nhân lên trong 1 năm (365 ngày) thì số nợ sẽ rất lớn. Do đó, nếu không xử lý được số nợ này thì số nợ thuế ngày càng “to ra”.
Có thể bạn quan tâm
17:58, 22/10/2019
19:40, 22/10/2019
18:11, 22/10/2019
Về tên gọi “Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước”, ông Tiến phân tích, ở đây cần phải hiểu xóa tiền phạt chậm nộp hay xóa nợ tiền phạt? Xóa tiền hay xóa nợ tiền cần phải được làm rõ, nếu xóa tiền sẽ khác với xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt. “Họp thường vụ Quốc hội đã cho đổi tênthành xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tuy nhiên trong Dự thảo Nghị quyết lại ghi xóa tiền mà không phải xóa nợ tiền. Do đó cần xem lại tên gọi cho phù hợp”, ông Tiến đề xuất.
Nói về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết này, theo ông Tiến, thứ nhất, trong tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội nhất trí như Chính phủ trình, nhưng đây mới chỉ là một lý do, tức là từ những hạn chế bất cập về quy định pháp luật như khoanh nợ, xử lý nợ... nên đây là giải pháp khắc phục.
Thứ hai, tránh thống kê thông tin về những con số ảo, những con số này không có thật vì phạt cả những người đã mất nhưng vẫn cứ thống kê, như vậy số nợ ngày càng “dâng lên”. Điều này gây hoang mang cho nhiều người về tiền nợ thuế không được thu đúng, thu đủ.
Về đối tượng xử lý nợ, ông Tiến đề nghị cần xem xét lại. Ví dụ, tại khoản 6 điều 4 nói về đối tượng xử lý nợ “người nộp thuế bị thiệt hại về vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoạn nạn, tai nạn bất ngờ”, vậy phải hiểu thiên tai ở mức độ nào hay cứ bị thiên tai là được đưa vào là đối tượng xử lý nợ? Phải đánh giá được rủi ro cụ thể thì mới đưa vào quy trình xử lý.
“Nếu không cụ thể, nay mai chỉ bị mất một chút hoa màu cũng kiến nghị bị thiệt hại do thiên tai. Đơn cử, thời gian qua xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, có những nơi bị thiệt hại rất lớn nhưng có địa phương bị không đáng kể. Nếu đánh đồng thành dịch bệnh thì rất không ổn, phải đánh giá cụ thể mức thiệt hại đến đâu thì mới thực hiện xử lý nợ”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết thêm, trong khoản 7 có ghi “Nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán”, như vậy có thể hiểu “chưa được thanh toán” có nghĩa là chậm thanh toán, ví dụ hợp đồng trong thời gian 2 năm phải thanh toán hết, nhưng bị kéo dài đến 2 năm 1 tháng, tức là 1 tháng sau mới được thanh toán và nếu căn cứ vào câu chữ thì được hiểu chậm thanh toán là được xử lý nợ hay sao?
“Chính vì vậy, cần phải có sự đánh giá lại mức độ thiệt hại đến đâu thì mới nên cho xử lý nợ, còn như thế này thì rất dễ tạo ra lỗ hổng, gây thất thoát ngân sách nhà nước”, ông Tiến kiến nghị.