Nghị quyết 120 cùng với Luật Quy hoạch 2017, Quyết định 593 của Thủ tướng về liên kết vùng là một sự hội tụ hiếm có về chính sách, bộ ba “chính sách vàng” mang lại vận hội mới rất quý cho ĐBSCL.
Thực tế, đã có những nơi người dân trúng lớn vụ tôm sú, tôm thẻ, cua dù khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt.
"Sống khỏe" với biến đổi khí hậu
ĐBSCL được đánh giá là khu vực bị tổn thương nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Thế nhưng giữa đồng bằng châu thổ Cửu Long vẫn có một nơi có thể coi là “miễn nhiễm” với BĐKH, mặc dù có sự luân phiên sáu tháng nước ngọt, sáu tháng nước mặn. Đó là Cồn Chim nằm trên sông Cổ Chiên, thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cồn Chim có diện tích chỉ 62ha, tổng số 70 hộ thì có 18 hộ tạm cư, còn lại là dân bản địa, định cư ở nơi đây từ những ngày đầu lập ấp.
Ông Nguyễn Văn Quời, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Cồn Chim cho hay, thông lệ hàng năm đến rằm tháng 11 âm lịch thì bắt đầu mùa nước mặn kéo dài đến tận tháng 5 của năm sau, nửa năm còn lại là mùa nước ngọt. “Năm nay, nước mặn về sớm hơn gần nửa tháng trời”, ông Quời quả quyết.
Hớp ngụm trà, ông chậm rãi nói tiếp, để xua tan bao thắc mắc của khách phương xa: “Giống lúa ở đây có thể chịu được độ mặn lên đến ba phần ngàn và thời gian sinh trưởng từ 88-90 ngày như bao nhiêu vùng khác. Bởi vậy nước mặn có “ngang qua” chốn này sớm thì cũng chẳng hề hớn gì cây lúa. Bà con ở đây trồng lúa chưa năm nào bị mất mùa hay thiệt hại vì xâm nhập mặn”.
Ông Tư Khoa, hàng xóm tiếp lời ông Út Quời: “Lúa ở Cồn Chim toàn bộ là lúa sạch, lúa hữu cơ. Sáu tháng nước ngọt thì bà con trồng lúa, sáu tháng nước mặn thì nuôi tôm, nuôi cua trên nền ruộng lúa. Nói con tôm “ôm” gốc lúa là vậy”.
Sau khi thu hoạch lúa, trên đồng chỉ còn gốc rạ, nông dân bắt đầu giở bọng (cống) cho nước mặn từ sông Cồn Chim chảy vô đồng để bắt đầu thả nuôi vụ tôm mới. Thế nhưng, nông dân ở Cồn Chim không đánh đổi môi trường để chạy theo năng suất, cả cây lúa lẫn con tôm. Ông Út Quời đưa ra minh chứng rằng, mỗi vụ lúa ông thu hoạch độ chừng 20 giạ (1 giạ = 20kg)/công đất (1.000m2), thấp hơn nhiều nơi khác trung bình từ năm tới mười giạ/công. Nhưng ở đây người dân trồng lúa hữu cơ, không phân thuốc hoá học nên năng suất thấp là hết sức bình thường.
Quan trọng hơn, vụ lúa này chỉ là nguồn thu phụ, chủ yếu để nông dân có hạt gạo sạch trong nhà ăn quanh năm, còn cái chính là để nền đất sạch cho vụ luân canh tôm thẻ, tôm sú, cua vào mùa nước mặn. Nếu tăng thêm 5-10 giạ lúa thì chỉ thêm được từ 600 ngàn đến 1,2 triệu đồng/công, nhưng phải bón phân hoá học, phun xịt thuốc trừ sâu.
Làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến nền đất, gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường nước, môi trường đất, môi trường sống và còn có nguy cơ thua lỗ vụ tôm sau đó. Mà lúa sạch thì gốc lúa là nơi lý tưởng để con tôm sinh sống và phát triển tốt hơn so với môi trường ao nuôi trống.
“Ngược lại, sau vụ tôm, xác bã còn lại trong ao tôm, nền đất lại là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây lúa mọc khoẻ mạnh. Trong khi chúng tôi nuôi vụ tôm 8 tháng thu nhập từ 80-100 triệu đồng, thì tại sao phải đánh đổi môi trường lấy năng suất lúa”, ông Út Quời phân tích.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL cho rằng, Cồn Chim là nơi mà người dân biết thuận theo tự nhiên nên đỡ vất vả. Vào mùa khô, Cồn Chim vẫn bị xâm nhập mặn, là vùng nước lợ đặc trưng trong hệ sinh thái của ĐBSCL, nhưng người dân vẫn sống… phơi phới. Nhờ thuận theo tự nhiên nên thiên nhiên ở đây chưa bị hủy hoại, người dân thì không phải “gồng mình” chống mặn mỗi mùa khô đến.
Vào mùa khô năm 2016, khi cả vùng ĐBSCL khốn đốn vì khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt thì người dân Cồn Chim vẫn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản bình thường. “Không có bất cứ thiệt hại gì, mà ngược lại năm đó người dân Cồn Chim còn trúng lớn vụ tôm sú, tôm thẻ, cua. Bởi ở đây chúng tôi sống thuận thiên theo mùa, mùa nước ngọt thì trồng lúa, mùa nước mặn thì nuôi thuỷ sản nước mặn, không đi ngược lại với thiên nhiên, không mất sức chống thiên nhiên mà còn được lợi nên khỏe”, Bí thư Chi bộ ấp Cồn Chim Nguyễn Văn Quời nói.
Đây chính là tư duy tiến bộ, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Từ trước đến nay khi nói về tài nguyên nước, nhiều người chỉ nghĩ đến nước ngọt và xem nước mặn, nước lợ là kẻ thù, và khi nghĩ về nước, người ta hay nghĩ tới lượng nước và khía cạnh cơ học của nước. “Nước mặn, nước lợ vẫn là nguồn tài nguyên tiềm năng để khai thác phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, nước mặn, thay vì chỉ chăm chăm vào cây lúa và thuỷ sản nước ngọt. Tài nguyên nước đâu chỉ là số mét khối, mà còn các tiến trình quan trọng của nước. Câu chuyện Cồn Chim là một thực tiễn sinh động nhất về thích ứng với BĐKH. Nếu thực hiện tốt Nghị quyết 120 thì sẽ có nhiều những Cồn Chim như thế được phục hồi ở ĐBSCL này”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.
Vượt qua trở ngại để chuyển hướng phù hợp
Nghị quyết 120 là định hướng ở tầm chiến lược, cần phải có những quy hoạch, kế hoạch cụ thể để triển khai trên thực tế và việc soạn thảo các quy hoạch, kế hoạch này cần độ chín chắn, tốn thời gian. Trong 3 năm qua, để triển khai Nghị quyết120, Chính phủ đã cho soạn thảo Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐSBCL, phê duyệt tại Quyết định 324 của Thủ tướng ngày 2/3/2020. Quy hoạch tích hợp ĐBSCL do tư vấn HaskoningDHV-GIZ đang trong quá trình soạn thảo, cuối năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một loạt hội thảo tham vấn vòng cuối cùng ở ĐBSCL để hoàn tất Quy hoạch này.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, đã thực hiện việc tích hợp Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, đây là công việc mới, các ngành chức năng của TP Cần Thơ chưa có kinh nghiệm, gặp phải những khó khăn nhất định. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực quy hoạch yêu cầu thông số kỹ thuật, qui trình thẩm định khác nhau… không dễ dàng tích hợp đồng thời các quy hoạch của các ngành vào một quy hoạch.
Còn ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay, những định hướng chiến lược trên được vạch ra một cách khoa học và thực tiễn, phù hợp với bối cảnh mới của vùng ĐBSCL và cả nước.
“Điều thuận lợi nữa cho tỉnh An Giang, cũng như các tỉnh trong vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đang trong quá trình lấy ý kiến và có thể sẽ phê duyệt trong năm nay, làm cơ sở thực tiễn để tỉnh xây dựng Quy hoạch tỉnh, phù hợp, thống nhất với định hướng phát triển của vùng”, ông Trần Anh Thư nhận định.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Nghị quyết 120 cùng với Luật Quy hoạch 2017, Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng là một sự hội tụ hiếm có về chính sách. Có thể nói đây là “bộ ba chính sách vàng” mang lại vận hội mới rất quý cho ĐBSCL. Cả ba đều hàm chứa tư duy hiện đại ở tầm quốc tế rất mới đối với Việt Nam, do đó, việc triển khai bộ ba chính sách này sẽ gặp một số trở ngại.
Trước hết, cách làm quy hoạch tích hợp rất lạ lẫm đối với Việt Nam và sẽ không tránh khỏi lúng túng. Quy hoạch tích hợp là cách làm quy hoạch định hướng chiến lược phát triển cho sự vận hành của tổng thể, trong đó sự phát triển của từng ngành được dung hòa với nhau cùng lúc, bổ túc cho nhau. ĐBSCL trước đây đã từng có hơn 2500 bản quy hoạch theo ngành, theo địa phương, không ăn khớp với nhau.
Trở ngại thứ hai là quán tính tư duy cũ. Trong trường hợp của ĐBSCL để duy trì lối đi cũ, hàng loạt bài toán cần đặt ra như làm sao để bao đê chống lũ cho ruộng đồng khô ráo để trồng lúa mà lũ không gây ngập nơi khác, làm sao tiếp tục khai thác nước ngầm mà đồng bằng không sụt lún… “Toàn các bài toán nan giải. Trong khi đó, nếu chúng ta rẽ sang lối đi mới, thích ứng thay vì chống chọi, thì hàng loạt những chuyện đang là vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa và số vấn đề cần giải quyết sẽ ít hơn”, vị chuyên gia phân tích.
Trở ngại thứ ba, những vướng mắc ở thực địa trong quá trình thay đổi. Trong thời gian dài phát triển nông nghiệp chạy theo sản lượng và loay hoay chống chọi với thiên nhiên suốt năm, chúng ta đã tạo ra một hệ thống công trình điều tiết nước khổng lồ trên toàn đồng bằng. Sinh kế và hệ thống thiên nhiên đã buộc phải thích ứng theo. Trong các vùng ngọt hóa chẳng hạn, sinh kế người dân đã chuyển sang canh tác theo nước ngọt. Muốn chuyển đổi ngược lại như trước có khó khăn vì sẽ ảnh hưởng sinh kế người dân trong thời gian đầu. Người nông dân nhỏ lẻ sẽ cần hỗ trợ vì không đủ nguồn lực để chuyển đổi dù họ có mong muốn.
“Việc chuyển hướng phát triển của cả ĐBSCL theo Nghi quyết 120 có thể ví như chuyển hướng một con tàu rất lớn, rất nặng nề, đòi hỏi thời gian dài, có thể đến 10 năm, nhưng ít ra con tàu đang không tiếp tục lao theo hướng cũ nữa”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
08:26, 12/03/2021
05:00, 22/02/2021
05:00, 21/02/2021
05:00, 20/02/2021
05:00, 19/02/2021
05:00, 18/02/2021
05:00, 17/02/2021
04:09, 16/02/2021
05:30, 15/02/2021
05:30, 14/02/2021
14:00, 13/02/2021
05:00, 11/02/2021
05:30, 10/02/2021