Kinh tế địa phương

DDCI Bắc Ninh: Cải cách không điểm dừng

Kim Dung - Vũ Phường 28/05/2025 08:54

Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã tích cực triển khai và nâng cao Chỉ số đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh toàn tỉnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), chỉ số DDCI trở thành một công cụ quan trọng để đánh giá và đo lường năng lực cạnh tranh của các cơ quan nhà nước trong công tác thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đây không chỉ là một bảng xếp hạng đơn thuần, mà còn là công cụ giúp các cơ quan nhà nước nhìn nhận lại chính mình, cải thiện hiệu quả quản lý hành chính và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

_mgl8720.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh thăm công ty CP Hanel PT, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp (Ảnh: Vũ Phường)

“Gương soi” chân thực năng lực cạnh tranh

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh – Nguyễn Phương Bắc, người có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện đánh giá DDCI tại các tỉnh/thành phố và trong tỉnh Bắc Ninh, DDCI sẽ “bắt bệnh” ở từng cơ quan, “gõ cửa” từng sở, ban, ngành, địa phương để tìm ra vấn đề và từ đó có phương pháp điều trị thích hợp. Những tác động trong quá trình thảo luận cải thiện môi trường kinh doanh thông qua DDCI sẽ tạo thành một tương tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư, góp phần thúc đẩy cải cách.

“Nếu được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, DDCI sẽ kích hoạt nhiều hoạt động cải cách khác và tạo tác động kép, không chỉ cải thiện chỉ số thành phần của PCI mà còn nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả điều hành trong khu vực công”, ông Nguyễn Phương Bắc nói.

Cùng với đó, mỗi khi chỉ số DDCI được công bố, các tỉnh/thành phố và cơ quan chức năng có thể tự “soi lại mình” thông qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. Đây vừa là sự đánh giá khách quan từ phía các đối tượng chịu sự quản lý, vừa là sự phản ánh thực tế về chất lượng môi trường kinh doanh tại từng địa phương.

Ảnh 2
Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh phát biểu trong một buổi tập huấn khảo sát đánh giá DDCI tại Vĩnh Phúc (Ảnh: Vũ Phường)

Đặc biệt, các chỉ số được đưa ra sẽ phản ánh chất lượng điều hành kinh tế như thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công, mức độ minh bạch của các cơ quan nhà nước, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đối với nguồn lực, các chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, DDCI đã giúp các cơ quan nhà nước nhận diện được những mặt yếu kém, từ đó tạo cơ hội cho việc cải cách các chính sách, thủ tục hành chính.

Thúc đẩy cải cách không có điểm dừng

Bên cạnh việc giúp cơ quan nhà nước nhìn nhận lại mình, DDCI còn đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục những điểm yếu trong công tác quản lý và điều hành của tỉnh Bắc Ninh. Mỗi năm, các tỉnh có điểm số thấp trong DDCI đều nhận được các đề xuất và phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp về những vấn đề cụ thể cần phải cải thiện. Điều này tạo cơ hội cho các đơn vị được đánh giá không chỉ nhận thức được những thiếu sót mà còn học hỏi từ những bài học kinh nghiệm của các địa phương khác.

Ông Nguyễn Duy Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh cho rằng, qua các lần đánh giá DDCI, tỉnh đã rút ra được bài học quan trọng về việc cải cách thủ tục hành chính. Trong nhiều năm qua, các thủ tục hành chính phức tạp và kéo dài đã tạo ra những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xin cấp phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Những phản ánh từ doanh nghiệp đã giúp các cơ quan chức năng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc giảm thiểu thủ tục hành chính, tinh gọn quy trình và cải cách cơ chế quản lý để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp.

Duy Hà copy
Ông Nguyễn Duy Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh trả lời phỏng vấn Diễn đàn Doanh nghiệp (Ảnh: Vũ Phường)

Ngoài ra, theo ông Hà, DDCI còn chỉ ra những vấn đề liên quan đến sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Sự thiếu minh bạch trong việc cấp phép, thiếu thông tin rõ ràng về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoặc sự không công bằng trong việc phân bổ nguồn lực là những yếu tố được các doanh nghiệp phản ánh trong các khảo sát DDCI. Việc nhận thức được những vấn đề này đã giúp các cơ quan nhà nước điều chỉnh lại cách thức hoạt động, triển khai các chính sách công minh bạch và công khai hơn, từ đó tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Việc khắc phục điểm yếu trong công tác quản lý, tổ chức và điều hành là một quá trình lâu dài và cần sự quyết tâm, do đó cần sự đồng lòng của tất cả các cấp, ngành, từ chính quyền cho đến cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Duy Hà nhấn mạnh.

Doanh nghiệp “hiến kế”

Ông Nguyễn Đình Dũng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần PTK Việt Nam

Việc hỗ trợ doanh nghiệp OCOP tham gia vào các sự kiện hội chợ tại nước ngoài do tỉnh Bắc Ninh (và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương) tổ chức sẽ là một cơ hội lớn để các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh giới thiệu được giá trị, đặc sản của địa phương, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

dung.jpg
Ông Nguyễn Đình Dũng

Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này gặp khó khăn trong việc tiếp cận các kênh phân phối quốc tế và xây dựng chiến lược marketing phù hợp. Do đó, việc các cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế sẽ là một cách thức rất hiệu quả để giúp các sản phẩm này tiếp cận trực tiếp với các đối tác tiềm năng, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển và gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vĩnh Giang

hung.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Doanh nghiệp tư nhân hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong việc xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp tư nhân cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, đặc biệt là việc tạo ra những cơ chế chính sách mở, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Do đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân như “cởi trói” cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản về mặt pháp lý và thủ tục hành chính, đồng thời tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho các doanh nhân và doanh nghiệp trong nước.

Nghị quyết 68 không chỉ mở rộng không gian hoạt động cho doanh nghiệp tư nhân mà còn giúp nâng cao vai trò của họ trong nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với những chính sách hỗ trợ kịp thời và hợp lý, doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội phát triển bền vững, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Chính quyền tỉnh Bắc Ninh cần có những hành động quyết liệt để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đảm bảo các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn có thể tận dụng tối đa các cơ hội phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông Lương Đức Bằng, Giám đốc công ty TNHH Dược liệu Fujiko Việt Nam

bang.jpg
Ông Lương Đức Bằng

UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tạo sự đồng thuận, thông cảm và chia sẻ những khó khăn giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.

Việc tập huấn, truyền thông rộng rãi về DDCI là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo tất cả các cán bộ trong bộ máy nhà nước phải hiểu rõ, hiểu đúng thì mới tạo ra được sự hiệu ứng đồng bộ cải thiện dịch vụ công tạo ra sự hài lòng của doanh nghiệp. Việc này cũng cần áp dụng mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua Hiệp hội doanh nghiệp và các giải pháp truyền thông phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DDCI Bắc Ninh: Cải cách không điểm dừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO