Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Lạng Sơn đang chỉ đạo rất quyết liệt. Trong đó, vấn đề mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh sẽ có những tiến triển tốt trong thời gian tới.
Một năm nhiều “quả ngọt”
Những năm qua, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì đà tăng trưởng khá. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2018 đạt 8 - 9%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ngày càng tăng.
Trong năm 2019, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,63%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.383 tỷ đồng tăng 16,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn năm 2019 ước đạt 4.750 triệu USD đạt 90,8 kế hoạch. GRDP bình quân đầu người đạt 43,4 triệu đồng.
Cũng trong năm 2019, Lạng Sơn đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 8.112 tỷ đồng; thành lập mới được khoảng 390 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019 vừa qua, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, quyết định lựa chọn nhà đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 102 dự án với tổng vốn đăng ký trên 105.000 tỷ đồng; đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đến đầu tư và khảo sát đề xuất, đăng ký đầu tư tại tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 13/12/2019
23:03, 14/11/2019
14:27, 30/09/2019
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
“Tỉnh Lạng Sơn luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, dành mọi sự ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, coi doanh nghiệp là đối tác của các cấp chính quyền, tạo cơ hội để Lạng Sơn khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp trên các lĩnh vực”, ông Hồ Tiến Thiệu cho biết.
Nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Được biết, trong năm qua, tỉnh Lạng Sơn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính Sách để tập trung chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong phát triển thời gian tới; tổ chức các hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường đối thoại, giải quyết kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp.
Lạng Sơn cũng chủ động báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các vướng mắc liên quan đến dự án trọng điểm của tỉnh; đề xuất các giải pháp, sáng kiến đổi mới trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2019 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Đặc biệt, năm 2019 là năm thứ 3 UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện (DCCI) với 34 đơn vị gồm 11 đơn vị cấp huyện và 23 sở, ban, ngành.
Theo kết quả DDCI Lạng Sơn năm 2019 công bố sáng 25/12, Cục Thuế tỉnh tiếp tục dẫn đầu khối Sở, ban, ngành với số điểm 76.86 điểm, tăng 6.17 điểm so với năm 2018. Tiếp đến là Bảo hiểm Xã hội, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và Sở Kế hoạch & Đầu tư. Điểm trung vị của khối sở, ban, ngành của tỉnh đạt 60.48 điểm, tăng 0.17 điểm so với năm 2018. Xếp cuối khối Sở, ban, ngành là Thanh tra tỉnh, Sở Ngoại vụ và Sở Giáo dục Đào tạo.
Đối với khối địa phương, dẫn đầu bảng xếp hạng là thành phố Lạng Sơn với 66.14 điểm, tiếp đến các huyện Bắc Sơn, Cao Lộc. Trong khi đó, các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Lãng rơi vào Top cuối bảng xếp hạng. Trong đó, điểm trung vị của Khối các huyện, thành phố năm 2019 là 62.06 điểm, thấp hơn năm 2018 là 2.33 điểm.
Tại Hội nghị công bố DDCI 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc công khai, minh bạch và sự vào cuộc của xã hội trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, đóng góp ý kiến và giám sát là cách tiếp cận đúng và bài bản, giúp tỉnh cải thiện môi trường kinh doanh và là cơ sở quan trọng để lãnh đạo tỉnh đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh, cũng như xác định những điểm nghẽn, nút thắt cần ưu tiên giải quyết. Những điểm đã được và chưa được đều được lượng hóa thông qua điểm số của từng chỉ số thành phần. Do vậy sẽ giúp từng cơ quan, đơn vị nhận biết được biến động và xu hướng cải thiện của đơn vị mình.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đào Trọng Tâm, vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay chính là tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính dù tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và tiếp tục kêu gọi thêm nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Lạng Sơn trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Tiến Thiệu đã yêu cầu các sở, ban, ngành cần có giải pháp khắc phục những chỉ số thấp điểm như “cạnh tranh bình đẳng”, “tính năng động, hiệu lực của hệ thống”; các huyện, thành phố cần khắc phục chỉ số về “chi phí không chính thức”, “cạnh tranh bình đẳng” và “tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất”.
“Vấn đề là tính năng động, hiệu quả của chúng ta vẫn còn sự trì trệ, chưa có sự đổi mới trong giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Do đó, cả hệ thống cần năng động, hiệu quả. Đâu đó vẫn còn ưu tiên cho doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp thân cận… Chúng ta cần tạo sự bình đẳng trong cơ quan công quyền với doanh nghiệp, tạo môi trường thân thiện để tương tác với người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn”, ông Thiệu nhấn mạnh.
Được biết, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển xứng tầm, tỉnh Lạng Sơn đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt. Về vấn đề mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh sẽ có những tiến triển tốt trong thời gian tới.
Hiện, tỉnh đã phê duyệt Đề án lựa chọn được 11 điểm khoảng 3500ha dọc tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung cao độ công tác giải phóng mặt bằng tại các huyện, thành phố và từng bước điều chỉnh chính sách giải phóng mặt bằng để hài hòa lợi ích người dân và giúp doanh nghiệp giảm suất đầu tư.
“Mong rằng các doanh nghiệp sẽ có phản ánh kịp thời, đồng hành cùng tỉnh, cởi mở hơn để tỉnh có giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Không ai vỗ tay bằng một bàn tay”, do đó về phía các doanh nghiệp cũng đề nghị cần nâng cao khả năng quản trị, chủ động đổi mới để cùng nhau phát triển”, ông Hồ Tiến Thiệu chia sẻ.