Năm 2023, các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc cầu thị và có kế hoạch khắc phục khuyết điểm một cách cụ thể để cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
>>>Lạng Sơn: Kịp thời tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ông Hồ Tiến Thiệu tại Hội nghị công bố kết quả bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Lạng Sơn năm 2022 diễn ra chiều 27/12.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thông qua kết quả đánh giá Chỉ số DDCI để các sở, ngành, UBND các huyện thấy được thực tế năng lực điều hành, tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp ở đơn vị các sở, ngành còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Để cải thiện năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, UBND huyện trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc cầu thị và tiếp thu các khuyến nghị của đơn vị tư vấn, có kế hoạch khắc phục khuyết điểm một cách cụ thể để cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Đồng thời, ngay trong quý I/2023, các sở, ngành phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức các hội nghị chuyên đề để đánh giá toàn diện những điểm nghẽn, từ đó có giải pháp tháo gỡ một cách hiệu quả, thiết thực với tinh thần chính quyền luôn đồng hành phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đối với những đơn vị “đội sổ”, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn để được tư vấn và cung cấp nhiều thông tin cụ thể hơn về những tồn tại, hạn chế và có giải pháp khắc phục một cách hiệu quả.
Với mục tiêu không ngừng cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương, tạo động lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp “đo lường” bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở.
Năm 2022 là năm thứ sáu tỉnh Lạng Sơn triển khai đánh giá chỉ số DDCI. Bộ Chỉ số này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị được đánh giá, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
>>>Lạng Sơn: “Đột phá” tăng 13 bậc về thứ hạng PCI
>>>Lạng Sơn xếp vào nhóm 10 tỉnh, thành thực hiện chuyển đổi số tốt nhất cả nước
Theo ông Nguyễn Đức Nhật, Trưởng tư vấn Chương trình DDCI Lạng Sơn năm 2022, việc đánh giá chỉ số DDCI Lạng Sơn năm 2022 có 3 điểm mới so với năm 2021, đó là số đơn vị được đánh giá tăng với sự tham gia mới của Tòa án Nhân dân tỉnh; các đơn vị có thời gian từ rất sớm để tham gia sâu hơn, giúp cho các chỉ tiêu thông tin sát thực tiễn hơn, sự tương tác giữa cơ quan hành chính, doanh nghiệp và nhóm nghiên cứu cũng kịp thời hơn. Đặc biệt, năm 2022 hướng đến việc tập trung khắc phục những hạn chế, chỉ số, chỉ tiêu cụ thể mà doanh nghiệp có ý kiến, bức xúc hoặc đóng góp; đánh giá kết quả dựa trên mức độ cải thiện chỉ số, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào thứ hạng.
Ông Nguyễn Đức Nhật nhận định, qua khảo sát cho thấy năm 2022, doanh nghiệp và người dân đặc biệt khó khăn trong tiếp cận vay vốn với ngân hàng; Xuất nhập khẩu ảnh hưởng nặng do chính sách của Trung Quốc; Doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận và mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh do thiếu các quỹ đất sạch; Công tác hỗ trợ của chính quyền địa phương còn chưa thực chất, chưa tiếp cận được hết các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính chỉ mới ở bước triển khai chưa đem lại hiệu quả cao...
Để tiếp tục có những chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư trong thời gian tới, Tổ tư vấn Chương trình DDCI Lạng Sơn đưa ra khuyến nghị tỉnh Lạng Sơn cần hoàn thiện các kế hoạch và thực tế triển khai mặt bằng cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp có áp dụng công nghệ tiên tiến; Tiếp tục tập trung cải thiện công tác quản lý, điều hành, phục vụ doanh nghiệp liên quan đến đất đai; Thúc đẩy sản xuất, thương mại, xuất khẩu, kinh tế số trong đó chuyển đổi số của doanh nghiệp và chuyển đổi số của các cơ quan quản lý cần phát triển đồng tốc...
Theo bảng xếp hạng DDCI tỉnh Lạng Sơn năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh đứng thứ nhất với 80,60 điểm. Đứng thứ 2 là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với 80,32 điểm và đứng thứ 3 là Cục Thuế tỉnh với 79,78 điểm. Bên cạnh đó, các sở, ngành được kỳ vọng như: Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng Lạng Sơn, Cục Quản lý thị trường, Sở Tài nguyên Môi trường lại đang trong top cuối bảng xếp hạng.
Đối với khối các huyện, thành phố, điểm trung vị trong khối đạt 74,65 điểm tăng 2,11 điểm so với năm 2021 và khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị đứng cuối được thu hẹp còn 9,84 điểm, giảm 0,48 điểm so với năm 2021. Năm 2022, huyện Bắc Sơn tiếp tục giữ vững top đầu, đứng thứ nhất với 80,79 điểm; Huyện Hữu Lũng đứng thứ 2 với 79,92 điểm và huyện Bình Gia bứt phá, xếp thứ 3 với 79,28 điểm. Các huyện Đình Lập, Văn Quan và Cao Lộc lọt vị trí cuối bảng xếp hạng năm 2022.
Được biết, Bộ Chỉ số DDCI năm 2022 được xây dựng trên cơ sở khung 9 chỉ số thành phần gồm: tính năng động và hiệu lực của hệ thống; cạnh tranh bình đẳng; chi phí thời gian; vai trò của người đứng đầu; thiết chế pháp lý; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2022, đơn vị tư vấn đã phát ra 6.600 phiếu khảo sát gửi các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh và thu về 1.708 phiếu khảo sát, số phiếu hợp lệ có 1.694 phiếu; tỷ lệ hồi đáp là 25,67%.
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đầu vào nhóm Khá của cả nước. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế.
Với tinh thần cầu thị, nỗ lực khắc phục khuyết điểm, DDCI Lạng Sơn được kỳ vọng tiếp tục là đòn bẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị phát triển bền vững của địa phương. Qua đó, giúp Lạng Sơn xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi và trở thành điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo kết quả PCI năm 2021 do VCCI công bố, tỉnh Lạng Sơn đạt 63,92 điểm (tăng 1,49 điểm so với năm 2020) xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020. Đáng chú ý, các chỉ số như: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự đều tăng điểm. Trong đó, Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7,60 điểm (tăng 1,88 điểm so với năm 2020).
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế cửa khẩu: động lực tăng trưởng Lạng Sơn
21:56, 15/12/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B tỉnh Lạng Sơn
20:36, 12/10/2022
Lạng Sơn: Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu thành đầu mối xuất khẩu lớn của cả nước
09:18, 21/07/2022
Lạng Sơn: Doanh nghiệp chủ động hiến kế phát triển kinh tế tư nhân
11:33, 30/07/2022
Khởi công khu tái định cư thế hệ mới đầu tiên xuất hiện tại Lạng Sơn
17:00, 09/07/2022