Tầm quan trọng của Đề án 896 không chỉ trong quản lý dân cư mà còn trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính.
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tại Hội nghị “Tổng kết Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020” (gọi tắt Đề án 896) diễn ra vào ngày 23/4 vừa qua.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, đến nay, cả nước đã cơ bản hoàn thành việc thu thập hơn 86 triệu phiếu dữ liệu, cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai hệ thống thông tin đăng ký quản lý hộ tịch tại 63/63 tỉnh thành và thực hiện cấp số định danh cá nhân cho gần 5.5 triệu trẻ em đăng ký khai sinh qua hệ thống.
Dự kiến đến ngày 1/7, toàn quốc sẽ hoàn tất việc cấp căn cước công dân gắn chip cho 50 triệu công dân. Tuy nhiên, theo Đại tướng Tô Lâm, cần ưu tiên 10 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh. Đây là những địa phương tập trung đông dân, lượng giao dịch lớn, nhiều khu công nghiệp và chiếm nửa dân số cả nước.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cũng cho biết, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu công dân, để dữ liệu công dân “đúng, đủ, sạch, sống” là một nền tảng quan trọng trong thực hiện các phương án đơn giản hoá thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ, liên thông thủ tục hành chính (đến nay các Bộ ngành đã ban hành 19 Nghị quyết đơn giản hoá 1.525 thủ tục hành chính).
Phải nói rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quyết định trong nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Nên tầm quan trọng của Đề án 896 không chỉ trong quản lý dân cư mà còn trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính.
Thẳng thắn mà nói, nền hành chính của chúng ta vẫn nặng tính giấy tờ, thủ tục còn cứng nhắc, lạc hậu quá, người dân muốn giải quyết thủ tục nào cũng đều phải “tay xách nách mang” cả xấp giấy tờ. Mỗi lần mất hay xin làm lại bất cứ giấy tờ gì cũng phải lặn lội đi từ phường, xã rồi lên tới quận, huyện, tỉnh để ký tên, xác nhận thông tin từ đầu với đủ thứ thủ tục rắc rối, lằng nhằng, thậm chí có trường hợp không làm lại được vì hồ sơ bị “thất lạc” đâu đó.
Nói cách khác, giờ đi đâu người ta cũng nói về cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi thói quen giấy tờ tồn tại ở tất cả mọi khía cạnh của đời sống khiến chúng ta chạy theo mà quên rằng nếu dừng lại, nhìn vào chiếc điện thoại trên tay để thấy rằng nó có thể giải phóng con người ra khỏi mớ giấy tờ đó.
Thêm nữa, chính vì giấy tờ đòi hỏi người dân phải tiếp xúc nhiều với cán bộ, công chức sẽ khiến phát sinh đủ thứ tiền để bôi trơn. Nguy hiểm hơn đó là vấn nạn giấy tờ giả tràn lan hiện nay với các công nghệ in hiện đại, đủ các thủ thuật tinh vi mà người dân không thể nào kiểm chứng được. Chỉ cần vào Google gõ cụm từ “nhận làm giấy tờ, hồ sơ, bằng giả” là có ngay hàng nghìn địa chỉ “tin cậy”.
Nói đến chuyện thủ tục hành chính của Việt Nam nặng nề bao nhiêu thì câu chuyện ở Quốc đảo Sư tử -Singapore lại nhẹ nhàng bấy nhiêu. Nó trở thành hình mẫu cho bất kỳ quốc gia nào học tập, chứ không riêng gì Việt Nam. Bởi tư tưởng cải cách nhất quán ngay từ ban đầu, cách làm triệt để, nghiêm túc.
Hẳn ai cũng biết Singapore lâu nay nổi tiếng là đất nước có nhiều luật lệ, chế tài áp dụng cho những hành động nhỏ nhất, như vứt bã cao su ra đường. Tuy nhiên, đề cập đến thủ tục hành chính, dịch vụ công thì cùng với những luật lệ đó là phong trào PS21 (Công vụ trong thế kỷ 21) nhằm tạo ra văn hóa đón nhận thay đổi liên tục để hoạt động hiệu quả hơn trong giới công chức, viên chức.
Kế tiếp là chủ trương đóng cửa các cơ quan hành chính yếu kém, thay thế chúng bằng các cơ quan có hiệu quả hơn; thành lập Trung tâm Nghiên cứu chính trị (PSC) với nhiệm vụ thiết lập các nguyên tắc và hoạt động chuẩn mực để tạo thành cốt lõi cải cách khu vực công. Loại bỏ những quy định không còn cần thiết giúp giảm gánh nặng lên khách hàng, xóa bỏ thói quan lieu, đồng thời khiến nền công vụ trở nên gọn nhẹ, hiệu quả hơn…v..v.
Những chủ trương chính sách đó nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn. Hiện nay Singapore đứng ở nhóm những nước dẫn đầu về tốc độ phát triển chính phủ điện tử và đang bước sang giai đoạn “phát triển công dân điện tử”.
Từ đây, nhìn lại Đề án 896, nếu thực hiện tốt, nhanh, hiệu quả… thì cả người dân và cơ quan quản lý cũng đều có lợi. Khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính không cần mang theo nhiều loại giấy tờ vì thông tin cá nhân đã được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giúp người dân tiết kiệm tiền trong các thủ tục như sao y chứng thực, cấp mới, đổi những giấy tờ liên quan…
Về phía Nhà nước, Đề án sẽ giúp đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư; giảm chi phí cho các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; giảm nguồn lực và chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân.
Chính vì vậy, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận những kết quả Đề án 896 đạt được cũng mới chỉ là bước đầu. Yêu cầu của sự đổi mới, của sự phát triển đòi hỏi chúng ta phải nâng cao trách nhiệm, tăng tốc hơn nữa, mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Có thể bạn quan tâm
07:03, 26/02/2021
04:30, 19/10/2020
17:40, 14/10/2020
12:17, 30/09/2020
05:45, 28/09/2020
10:33, 12/09/2020
00:00, 24/08/2020
00:22, 18/08/2020
12:51, 23/07/2020
08:34, 16/07/2020
18:06, 26/05/2020
00:15, 26/05/2020