Một lần nữa Hà Nội lên phương án khởi động Đề án giãn dân phố cổ sau 20 năm giậm chân tại chỗ.
Từ năm 1998, UBND TP Hà Nội đã khởi động dự án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.
Khởi động đề án
Giai đoạn I triển khai di dời 1.530 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV 2016. Khu đô thị giãn dân phố cổ rộng hơn 11ha trong Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn II sẽ di dời hơn 5.000 hộ dân ngay sau khi Dự án giai đoạn I kết thúc triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay sau hàng chục năm triển khai, những hộ dân nằm trong diện di dời giãn dân phố cổ vẫn cố bám trụ trong những căn nhà chật hẹp.
Mới đây, TP. Hà Nội đã giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bên liên quan lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ, dự kiến thực hiện trong quý IV/2019.
Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ đã rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân nhằm lấy cơ sở xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc. Các phường được rà soát là: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ.
Lý giải việc dự án chậm triển khai, HĐND TP cho rằng dự án tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu phố cổ bao gồm nhiều trường hợp chính sách khác nhau nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, dự án xây dựng nhà ở giãn dân chưa có số liệu diện tích, giá bán; chưa có cơ chế quy đổi phù hợp để thông báo tới các hộ dân.
Chật chội mãi cũng quen
Trái ngược với vẻ hào nhoáng, sầm uất của những căn nhà ngoài mặt đường, hàng nghìn hộ dân phố cổ đang sống trong những căn nhà chật chội chưa đến 10m2, trong những con ngõ sâu hun hút không ánh mặt trời. Thế nhưng khi nhắc đến chuyện dời đi, người dân ở đây vẫn không đành lòng.
Nằm sâu trong con ngõ chỉ rộng chừng 50cm, tối đen trên phố Gia Ngư, tiệm cơm bình dân cũng như căn nhà hai tầng của gia đình bà Hoa có diện tích mỗi tầng chưa đến 10m2 nhưng có tới 5 người ở, 3 thế hệ cùng chung sống.
Bà Hoa chia sẻ, gia đình bà chuyển về phố Gia Ngư từ những năm 1954, tất thảy mọi người đều thuộc diện lao động chân tay, kinh doanh nhỏ lẻ trên phố cổ, bây giờ nếu chuyển đi cũng chẳng biết phải làm gì để kiếm sống. Chật chội, bất tiện, nhưng ở mãi cũng quen.
"Ở phố cổ, tấc đất tấc vàng, giá đất hiện tại được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông, nếu như muốn mua nhà ở chỗ khác có thể bán nhà chuyển đi, không cần đến nhà ở di dân. Thế nhưng quan trọng là chuyển đi rồi thì làm gì để kiếm sống?" - bà Hoa cho biết.
Thậm chí, len lỏi trong những con ngõ nhỏ ấy, còn có những căn gác xép tồn tại hàng chục năm nay với diện tích vỏn vẹn 2,5m2. Ông Chu Văn Cao (73 tuổi) cho biết, căn nhà ông có chiều rộng 1m, dài 2,5m và cao 1,4m. Căn nhà nhỏ đến nỗi muốn đi vào phải bò nhưng ông đã cùng con trai sống ở đây hơn 20 năm qua.
"Mọi việc sinh hoạt cá nhân đều phải xuống sân tập thể của ngõ để làm, đến cả ăn uống hai bố con cũng tranh thủ ăn ở chỗ làm vì căn nhà ngay cả nằm ngủ còn khó, nói gì đến nấu nướng" - ông Cao cho biết.
Theo ghi nhận thực tế, không chỉ những căn nhà trong ngõ, nhiều căn nhà nằm ngay mặt phố cũng đã xảy ra tình trạng hư hỏng, những mảng tường bong tróc lộ cả lõi thép bên trong. Nhiều gia đình cũng cơi nới thêm nhiều không gian ở tầng 2, 3 nhằm tăng diện tích nhà ở.
Thế nhưng đối lập với cảnh chen chúc chật chội ấy, dự án khu chung cư phục vụ cho đề án giãn dân phố cổ Việt Hưng, nằm trên địa bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên đã cơ bản hoàn thành các hạng mục: Nhà trẻ, hạ tầng kỹ thuật, các block nhà chung cư... nhưng đến nay vẫn "vườn không nhà trống".
KỲ II: Những căn chung cư không một bóng người