Để giảm mâu thuẫn đất đai thì việc chỉnh sửa các điều khoản pháp lý là cần thiết nhưng chưa đủ. Chúng ta cần điều chỉnh cả cơ chế và cách thức hành động để thực thi chính sách.
>>HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII: Kỳ vọng giải quyết bất cập Luật Đất đai
Một trong những thách thức nan giải ở nước ta trong hơn ba thập kỷ vừa qua là sự gia tăng của những “điểm nóng đất đai”. Đó là những mâu thuẫn liên quan đến đất đai, có thể xảy ra giữa những người sử dụng đất, giữa hộ gia đình với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù thể chế đất đai ở nước ta, các điểm nóng về đất đai chủ yếu xảy ra giữa người dân và chính quyền địa phương trong quá trình thu hồi và chuyển đổi mục đích sử đụng đất.
Các vấn đề đất đai trở thành điểm nóng không chỉ bởi giá trị kinh tế ngày càng tăng của loại hàng hóa đặc biệt này. Những mâu thuẫn, căng thẳng liên quan đến đất đai còn bắt nguồn từ vị trí địa lý, hệ sinh thái, quan hệ giữa đất với mỗi cá nhân hay cộng đồng người, cùng những ý nghĩa văn hóa truyền thống mà mỗi nhóm xã hội hay cộng đồng gắn cho mảnh đất cụ thể.
Các điểm nóng đất đai không chỉ làm gia tăng căng thẳng, mâu thuẫn xã hội mà còn khiến nhiều gia đình sứt mẻ tình cảm vì đất, có người đi tù cũng vì đất. Sự bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo cũng bộc lộ rõ hơn khi nhìn từ góc độ đất đai. Trên tất cả, điểm nóng đất đai đang đe dọa sự ổn định của hệ thống quản trị quốc gia ở mọi cấp độ cũng như sự gắn kết của cộng đồng xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất nhận thức về các vấn đề căn bản liên quan đến đất đai. Cùng với đó là nhu cầu về hệ thống chính sách đất đai hợp lý hơn nhằm giảm các mâu thuẫn và căng thẳng xã hội; qua đó phát huy được vai trò đặc biệt quan trọng của loại nguồn lực này trong tiến trình phát triển đất nước.
>>Đừng để Luật Đất đai cản trở kinh tế thị trường
>>Cần phải ban hành sớm Luật Đất đai (sửa đổi)
Thực tế cho thấy, điểm nóng đất đai gia tăng trên phạm vi cả nước nhưng phân bố không đều giữa các địa phương. Tại mỗi địa phương thì không phải dự án thu hồi đất nào cũng phát sinh mâu thuẫn. Điều này có nghĩa vấn đề đất đai phức tạp không chỉ bắt nguồn từ hệ thống luật pháp mà còn có liên hệ với cơ chế và công cụ chính sách.
Cơ chế chính sách đề cập đến cách thức chính quyền hành động như thế nào. Theo đó, cơ chế trực tiếp nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong mọi hoạt động thực thi chính sách. Cơ chế gián tiếp đề cao sự hợp tác giữa chính quyền với các chủ thể ngoài nhà nước, thậm chí giảm thiểu sự can dự trực tiếp của chính quyền vào quá trình hành động, để cho các bên liên quan tự giải quyết dưới hình thức cạnh tranh hoặc thương lượng.
Trong khi đó, công cụ chính sách bao gồm những phương tiện cụ thể được sử dụng để thực thi chính sách. Trước mỗi vấn đề chính sách, chính quyền có thể sử dụng các công cụ tổ chức, công cụ quyền lực, công cụ tài chính, và công cụ thông tin để thay đổi hành vi của các nhóm mục tiêu.
Theo Luật đất đai 2013, quy trình thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhấn mạnh sự can dự trực tiếp của chính quyền cùng các công cụ thực thi dựa trên quyền lực công, vốn mang tính hành chính và cưỡng ép. Chính quyền có thể ban hành các quyết định hành chính để thu hồi đất, khung giá đất, và cưỡng chế nếu xảy ra bất đồng kéo dài.
Ưu điểm của hình thức nêu trên là tính chính danh của các quyết định thu hồi đất, tiết kiệm chi phí, và bảo đảm tiến độ mỗi khi chính quyền địa phương có nhu cầu về đất cho các mục đích chung. Tuy nhiên, sự can dự trực tiếp của chính quyền cùng các phương tiện hành chính và luật pháp có hạn chế là kém linh hoạt, không đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, tính chất cưỡng ép dễ gây phản ứng. Chẳng hạn, mặc dù luật đất đai quy định phải tính giá đất sát với giá thị trường nhưng các khung giá đất có giá trị áp dụng trong 5 năm ở các địa phương khiến cán bộ thực thi dù có muốn cũng khó có cách nào tính giá đền bù sát với giá thị trường.
Để giảm mâu thuẫn đất đai thì việc chỉnh sửa các điều khoản pháp lý là cần thiết nhưng chưa đủ. Rộng hơn, chúng ta cần điều chỉnh cả cơ chế và cách thức hành động để thực thi chính sách. Theo đó, cần tính toán giảm bớt mức độ can dự trực tiếp của chính quyền vào quá trình thu hồi đất, qua đó giảm thiểu cơ hội lạm dụng công quyền, vốn cho phép sự cưỡng ép, cũng như nguy cơ lợi dụng các kẽ hở pháp lý nhằm trục lợi từ các quyết định liên quan đến đất đai. Định hướng này cũng giúp mâu thuẫn đất đai nếu xảy ra thì cũng chủ yếu xẩy ra giữa các chủ thể ngoài nhà nước, chứ không phải sự căng thẳng giữa chính quyền và người dân như hiện nay.
Cùng với đó là tạo điều kiện pháp lý hoàn chỉnh hơn để các chủ thể ngoài nhà nước có thể thực hiện các giao dịch đất đai hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dựa trên cơ chế cạnh tranh hoặc thương lượng tự nguyện. Cũng có nghĩa, trên phương diện hành động, Luật đất đai sửa đổi cần bổ sung và hoàn thiện hơn để các chủ thể ngoài nhà nước có thể thực sự tham gia và có vai trò thiết thực trong quá trình thực thi chính sách. Định hướng này khuyến khích các doanh nghiệp có thể tự tìm kiếm được diện tích đất cần thiết mà không phải “núp bóng” chính quyền để rồi phát sinh nhiều tiêu cực.
Cùng với sự giảm thiểu các công cụ hành chính và pháp lý vốn dựa trên sự cưỡng ép, cần coi trọng hơn các công cụ tài chính để các bên liên quan có thể tự giải quyết các bất đồng lợi ích xoay quanh một hàng hóa đặc biệt là đất đai. Nói cách khác, đất đai liên quan đến nhiều loại lợi ích cho nên việc nhấn mạnh vai trò của chính quyền và các biện pháp hành chính như hiện nay tất yếu sẽ dẫn đến các phản ứng không chấp hành. Điểm nóng đất đai chỉ có thể giảm nếu các bên liên quan tìm được sự đồng thuận về giải pháp tài chính, chứ không phải sự can thiệp hành chính.
Có thể bạn quan tâm
22:45, 07/05/2022
11:16, 04/05/2022
04:22, 28/04/2022
10:44, 27/04/2022
06:25, 23/04/2022
05:00, 17/04/2022
11:03, 16/04/2022
10:00, 10/04/2022