Những hành động tử tế nói lên cả nhân cách con người. Chuyện tưởng như bình thường lại trở thành một điều đáng tuyên dương.
Có thể bạn quan tâm
04:28, 12/12/2018
10:59, 15/08/2018
12:20, 30/07/2018
05:30, 29/06/2018
05:31, 22/03/2018
20:54, 21/03/2018
21:03, 19/03/2018
13:12, 11/03/2018
15:29, 03/10/2017
Một lớp dạy chữ miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn như trẻ thiểu năng, mồ côi, bệnh Down, nhiễm HIV... đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận đầu năm mới 2019, đó là lớp học tại nhà của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (63 tuổi) ở phường 8 - TP Vĩnh Long.
Được biết, năm 1999, cô trình bày dự định của mình với các ban ngành ở địa phương và được chấp nhận, tạo điều kiện. Ngay trong năm, lớp học đầu tiên được mở với 16 em nhỏ bán vé số, ăn xin, bệnh thiểu năng. Lâu dần, lớp học tạo được lòng tin với xã hội nên số lượng các em theo học ngày càng đông, không bó hẹp ở phường 8 mà khắp TP Vĩnh Long. Đến nay, lớp học của cô đã dạy cho trên 700 học sinh “đặc biệt”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Dân - Phó chủ tịch HĐND phường 8 - TP Vĩnh Long cho biết: “Gia cảnh cô Nga không khá giả, còn phải chăm lo cha già bệnh tai biến. Nhưng ròng rã 20 năm qua, cô thầm lặng mở và duy trì lớp học tình thương miễn phí cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở TP Vĩnh Long mà không đòi hỏi bất cứ điều gì”.
Từ những việc làm của mình cho xã hội, năm 2018, cô Nga là một trong ba người ở miền Tây vinh dự được nhận giải thưởng Kova lần thứ 16 ở hạng mục “Sống đẹp”.
Thật ra, câu chuyện thực tế này không phải là chuyện hiếm giữa đời thường. Cá nhân người viết từng ấn tượng với Bác sĩ Đỗ Văn Phương sinh năm 1991 tại huyện Cai Lậy - Tiền Giang. Anh tốt nghiệp 2 chuyên ngành: răng hàm mặt và kỹ thuật hình ảnh của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Khác với những bác sĩ trẻ mới ra trường, đa số mọi người sẽ dành toàn bộ thời gian để làm việc tại các bệnh viện và làm thêm tại các phòng khám để ổn định tài chính.
Thay vào đó, Phương vào làm trong một bệnh viện bình dân ở TP Hồ Chí Minh để có thể nghỉ 2 ngày cuối tuần, dành cho công tác thiện nguyện. Những địa phương ở vùng sâu vùng xa hoặc biên giới, hải đảo - những nơi bị hạn chế về công tác y tế để giúp đỡ người dân. Mỗi chuyến thăm khám, sẽ luôn cố gắng có đủ các khoa sau: Nội tổng quát, cơ xương khớp, nhi, ngoại thần kinh, đông y, phụ khoa/ nam khoa, tai mũi họng, mắt, tim mạch, răng hàm mặt, cân lâm sàng: siêu âm - đo điện tim..v..v.
Có thể nói, chuyện tử tế ngày nay không hiếm mà vẫn diễn ra nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ có điều đó là những chuyện nhỏ, ít ai để ý. Bản thân những người làm chuyện tử tế cũng làm âm thầm và sống cũng âm thầm, không khuếch trương, khoe khoang việc làm của mình. Cộng với việc ngày nay, báo chí, mạng xã hội lại đưa tin, chia sẻ quá nhiều những điều chưa đẹp, những cư xử thiếu tình người khiến cho mọi người nhìn đâu cũng thấy u ám, mất niềm tin vào cuộc sống, thành ra mới có suy nghĩ “đâu rồi, chuyện tử tế?”.
Mặt khác, theo lẽ thường, con người thường lo cho bản thân trước, một khi dư dả thì mới nghĩ đến chuyện hỗ trợ cho những mảnh đời bất hạnh. Rồi, đôi khi không ít người chẳng muốn làm việc tốt ngoài đời vì vẫn còn tồn tại tư tưởng “ôm rơm nặng bụng”, sợ làm ơn mắc oán hoặc lẻ loi giữa đám đông im lặng.
Để rồi, mỗi ngày, cứ bước ra đường và bắt đầu va chạm với xã hội, gặp một vài ba điều gây phiền nhiễu, chúng ta cứ “chau mày” rồi ước: Giá như trái đất này trở thành một nơi tuyệt vời hơn, không còn những thứ khó chịu này nữa?!
Nhưng, cũng có những người cứ thích làm những điều “ngược đời”, lo cho thiên hạ trước còn bản thân mình ra sao cũng không màng. Bởi họ tin, và tôi cũng tin rằng “khi trao tình người miễn phí bạn sẽ nhận lại nhiều hơn”. Thật ra, thế giới bao quanh chúng ta bản chất vốn là một nơi tuyệt vời, chỉ do ta đang không góp tay vào bồi đắp sự tuyệt vời ấy mà chỉ than thở, trông chờ một sự thay đổi từ những người khác.
Những hành động tử tế nói lên cả nhân cách con người. Chuyện tưởng như bình thường lại trở thành một điều đáng tuyên dương. Có lẽ, do cuộc sống thời nay hỗn độn quá, khiến những điều tốt đẹp ngày càng lu mờ đi. Và chúng ta cũng quên rằng, thành quả rực rỡ, đáng ngưỡng mộ đều bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất.