Để không còn “tốc độ bàn thờ”

Sông Hàn 23/01/2018 05:10

Chỉ cần nhắc đến những từ “rượt”, “đuổi”, bỏ chạy… chúng ta nghĩ đến chuyện đua tốc độ của hai phía. Quá trình đó tạo ra một cuộc đua rất “mát ga”, mà theo ngôn ngữ của các tay lái thì nó được gọi là “tốc độ bàn thờ”.

Đây là một định nghĩa mới về tốc độ “quá nhanh, quá nguy hiểm” của các tay lái. Nếu đạt tốc độ này thì con đường “về với ông bà” sẽ không còn xa nữa.

Hiện trường vụ tai nạn tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến tre. Ảnh: VNN.

Những ngày vừa qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) truy đuổi người vi phạm giao thông khiến cho một người dân bị chết, một CSGT bị thương, đã minh chứng cho cái gọi là “tốc độ bàn thờ”. Vậy, vấn đề được đặt ra ở đây là gì?

Người vi phạm không đáng mất đi mạng sống của mình

Trường hợp CSGT huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre dùng “tốc độ bàn thờ” truy người vi phạm giao thông gây thiệt hại về người không phải là chuyện mới và hiếm.

Cuối tháng 6/2017, CSGT huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa truy đuổi 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm khiến cả 4 người bị té ngã và thương nặng.

Xa hơn một chút, ngày 23/11/2016 CSGT huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam rượt đuổi người vi phạm giao thông trên đường, khiến một người chết và một người bị thương nặng. Ở các địa khác như Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nội..v..v, cũng xảy ra không ít những vụ thương tâm tương tự như vậy.

Vì thế, theo các chuyên gia pháp lý, khi phát hiện người vi phạm có lỗi nhẹ nhưng không chịu tuân thủ hiệu lệnh thì CSGT có quyền ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn hoặc dùng camera để phạt nguội..v..v.

Mức phạt đó có thể là mấy tháng tiền lương của người lưu thông, phạt lao động công ích, hồ sơ bị ghi xấu, giam xe, treo bằng lái.v.v… Nói chung là hậu quả kéo theo cho một lần coi thường luật lệ là rất đáng sợ. Chỉ có như thế mới làm cho người tham gia giao thông không bao giờ liều.

Thêm một lý giải cho việc CSGT không cần thiết phải truy đuổi đó là, giao thông ở Việt Nam vẫn là một bức tranh lộn xộn: Đường nhỏ hẹp, phân luồng, phân tuyến, phân làn bất hợp lý.

Trong khi, lực lượng CSGT còn tiêu cực, thực thi công vụ không hoàn toàn vì giữ trật tự giao thông, mà “canh me, núp lùm” với mục đích hoàn thành “chỉ tiêu được giao”. Chính cái gọi là “chỉ tiêu được giao” của ngành CSGT góp phần làm nên hiểm nguy cho người tham gia giao thông, càng khiến cho người dân “không phục”.

Hơn nữa, quyền đối với tính mạng, sức khỏe của công dân luôn được pháp luật bảo vệ. Cùng với những cái chết thương tâm do tại nạn khi lực lượng chức năng truy đuổi đã khẳng định sự không cần thiết này.

Nên, dù người dân có vi phạm hành chính chăng nữa, thì hoàn toàn không đáng mất đi mạng sống của mình.

Người vi phạm “nhờn” luật?

Thực tế cho thấy, ngày thường, vấn đề vi phạm giao thông đã nhức nhối, huống hồ Tết cổ truyền đang cận kề. Những “chuyến xe bão táp” chở đầy hàng hóa kịp phục vụ cho nhu cầu bán buôn, hay “chuyến xe tử thần” nhồi nhét khách, đua để giành khách… Rồi, những “đệ tử lưu linh” thích thể hiện cái tôi của mình... Ở đó, những vòng quay bánh xe ngày một nhanh hơn, gấp gáp hơn.

Có thể nói, vì nhiều lý do khác nhau, “tốc độ bàn thờ” luôn được “mở” ở khắp nơi, ở bất kỳ đối tượng nào. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ. Người vi phạm tự nguyện dừng khi bị có tín hiệu dừng thì tốt, nhưng bỏ chạy thì sẽ dễ tạo nên màn rượt đuổi chẳng khác nào trong phim điện ảnh.

Mà những vi phạm nhỏ khi tham gia giao thông không bị xử lý sẽ là nguồn cơn của những hành vi vi phạm lớn hơn, tăng tính “nhờn” luật”, gây nguy hại hơn cho xã hội. Trong khi, chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì phải thực thi pháp luật cho nghiêm, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng coi thường pháp luật.

Đã có nhiều người lập luận rằng do bị cảnh sát đuổi nên tai nạn mới xảy ra. Vậy tại sao người ta không biết đặt câu hỏi ngược lại rằng: Tại sao họ lại bị cảnh sát đuổi? Tại sao họ lại không dừng khi bị cảnh sát thổi? Và tại sao đám đông không biết vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp rằng: Tai nạn chắc chắn sẽ không xảy ra nếu người vi phạm dừng lại để làm việc với cảnh sát?

Trật tự, an toàn giao thông nói riêng và xã hội nói chung sẽ đi về đâu nếu lái xe cứ vô tư vi phạm, bị tuýt còi cứ chạy? Còn lực lượng chức năng vẫn cứ nghĩ rằng mình có quyền truy đuổi (trừ trường hợp truy đuổi tội phạm hình sự, ma tuy, cướp giật).

Thế là cái công thức quái gở: “Vi phạm → Chạy → Đuổi” tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát! Nó “bức bí” ngay từ tư duy của người thực thi pháp luật đến người tham gia giao thông có ý thức không tốt. Cả hai vô tình đưa nhau vào thế “tốc độ bàn thờ”, để rồi khi xảy ra hệ quả nghiêm trọng thì chính họ lại bị “búa rìu” từ dư luận.

Do đó, làm thế nào để ý thức của người tham gia giao thông được cải thiện, có lỗi thì bị phạt, bị tuýt còi thì dừng xe, sẽ không còn phải truy đuổi làm gì? Câu hỏi này cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía: Từ công tác tuyên truyền, dân vận, quản lý… của cơ quan chức năng liên quan, đến sự tự ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để không còn “tốc độ bàn thờ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO