Dù có nhiều cơ hội và trở thành xu hướng phát triển hiện nay, song hoạt động kinh tế số tại Hải Dương vẫn còn nhiều thách thức.
Ban hành kế hoạch để thúc đẩy
Ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban Chỉ đạo Lê Ngọc Châu cho biết, tỉnh Hải Dương xác định Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là yếu tố cốt lõi, đóng vai trò động lực quan trọng trong thúc đẩy đất nước phát triển.
Vì vậy, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 726/KH-UBND ngày 20/2/2025, xác định 30 nhóm chỉ tiêu, gồm 26 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 4 nhóm chỉ tiêu đến năm 2045, cùng 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với 81 nhiệm vụ cụ thể.
Để triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo đã giao cho Tổ giúp việc phối hợp các chuyên gia thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin; các nền tảng dùng chung của tỉnh Hải Dương. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, nguồn nhân lực và hiện trạng triển khai đô thị thông minh tại 2 thành phố trong tỉnh. Trên cơ sở đó xác định các nhiệm vụ cần triển khai, các hạng mục cần ưu tiên đầu tư, nâng cấp nhằm hoàn thiện hạ tầng, giải pháp để hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, một số hệ thống đã đi vào hoạt động cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu. Điển hình như Trung tâm Dữ liệu tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức, kho dữ liệu dùng chung, cổng thông tin điện tử liên thông 3 cấp, hệ thống thư điện tử công vụ, trục kết nối liên thông dữ liệu cấp tỉnh.
Hải Dương cũng đã hình thành 9 danh mục dữ liệu sẵn sàng kết nối, đây là nền tảng quan trọng để triển khai chính quyền điện tử. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin và nền tảng dữ liệu cho chuyển đổi số của tỉnh còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Trung tâm Dữ liệu tỉnh chưa bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ, các hệ thống dùng chung chưa hoạt động hiệu quả, dữ liệu chưa đầy đủ, đồng bộ và nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ, chuyển đổi số tại các sở, ngành, địa phương của tỉnh còn thiếu và yếu.
Theo ông Châu, để kinh tế số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt.
Phấn đấu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GRDP
Theo Chiến lược dữ liệu của tỉnh Hải Dương đến năm 2030 do UBND tỉnh vừa ban hành, Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh.
Chiến lược dữ liệu tỉnh Hải Dương đến năm 2030 nêu rõ các mục tiêu cụ thể trong các nhóm vấn đề, gồm phát triển hạ tầng dữ liệu, dữ liệu số trong phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm: kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh; xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, năng lượng.
Hoàn thành số hóa, lưu trữ và chia sẻ thông tin rộng rãi, kết hợp xây dựng các nền tảng số du lịch đồng bộ đối với 100% các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch trong tỉnh để quảng bá, phát triển du lịch Hải Dương, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.
Cung cấp và bảo đảm cập nhật chính xác, kịp thời 100% các bộ dữ liệu mở về lực lượng, thị trường lao động, việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động và yêu cầu trình độ, kỹ năng tương ứng.
Bảo đảm nhu cầu kết nối về trung tâm giám sát tập trung của ngành tài nguyên và môi trường theo thời gian thực đối với 100% dữ liệu giám sát, quan trắc tự động việc xả thải của các khu công nghiệp, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, phục vụ phân tích, cảnh báo khi có nguy cơ về sự cố môi trường.
Số hóa, cập nhật kịp thời 100% dữ liệu về hạ tầng giao thông công cộng, phương tiện giao thông, dữ liệu về kho, bãi, các trung tâm logistics. Hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của ngành giao thông, đáp ứng nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng giao nhận - kho vận và logistics.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp đối với 100% cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành của các sở, ngành, địa phương…
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương ưu tiên xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và ứng dụng chuyên ngành để hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất, chia sẻ dùng chung. Tránh tình trạng cát cứ dữ liệu trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Liên thông, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm theo các quy định, quy chuẩn, hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản