Có câu thơ rằng: “Nhân sinh ai giữa đủ đầy/ Biết chăng mẹ khuyết để nay ta tròn/ Bông hồng đỏ ngực áo con/ Mai không cài nữa mỏi mòn Vu Lan…”
Tôi thích câu trong bài hát Bông hồng cài áo:
“Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ”.
Ở đấy có một sự phân chia rõ ràng mà tình cảm, phần cho tình yêu, phần cho bản thân và một phần dành riêng cho mẹ.
Cuộc sống hiện đại ngày nay, khi người ta đói thì có đồ ăn, nóng hay rét đều có điều hòa, ốm đau có bác sĩ, bệnh viện. Thành thử ra, giờ đây những điển tích, tấm gương trong sách “Nhị thập tứ hiếu”, con cái có muốn học theo để báo hiếu công ơn dưỡng dục, mang nặng đẻ đau cũng ít có dịp thể hiện. Đâu thể làm giống Hoàng Hương “quạt nồng, ấp lạnh”. Đâu có muỗi đến mức để như Ngô Mãnh cởi trần nằm cạnh bố mẹ, mong cho muỗi đốt mình, mà không đốt cha mẹ…
Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta ít “cơ hội” để thể hiện tình cảm với cha mẹ, nhất là người mẹ đã “mang nặng đẻ đau”, sinh thành ra chúng ta. Thời nay, những điều con cái cần làm cho mẹ bây giờ có lẽ chỉ là “để mẹ sống vui” mỗi ngày.
Có một câu nói, trẻ con bây giờ “no cơm, ấm áo, đói lời mẹ ru”, với mẹ cũng vậy, vật chất không còn nhiều quan trọng mà quan trọng về mặt tinh thần. Không phải chỉ đợi cả năm mua món quà rồi về tặng mẹ, bó hoa hay bữa tiệc để bày tỏ chữ hiếu mà phải là những niềm vui của mẹ trong quãng đời còn lại.
Các cụ nhà ta từng có câu rằng: “Bảy mươi tính năm, tám mươi tính tháng, chín mươi tính ngày”. Tính như thế để thấy, chiều theo nguyện vọng của mẹ một cách thoải mái, vui vẻ, tự nguyện có lẽ là thứ mà những người con nên làm khi mẹ bước sang tuổi xế chiều. Còn mẹ là điều hạnh phúc, là chỗ dựa tinh thần, là người cho cảm giác mình còn được thương yêu che chở. Tình cảm ấy nó khác hẳn với tình yêu hay bất cứ thứ tình cảm nào khác.
Ngoài bảy mươi, sức khỏe mẹ dường như chẳng còn như trước, ngoài tám mươi sự mong manh đã là điều hiện hữu, cho dù có được coi là khỏe mạnh thì số ngày mẹ ở cùng mình vẫn là “được tháng nào hay tháng ấy”. Chính vì vậy, niềm vui của mẹ, cuộc sống của ta, phải chăng mới là điều cốt lõi trong cuộc sống?
Ngày nay, không ít gia đình khi con cái sinh sống, làm việc ở thành phố, mẹ già lại ở quê, đến thời điểm bắt buộc phải lựa chọn chuyển mẹ ra sống cùng để tiện bề chăm sóc. Việc chuyển đổi các thói quen sinh hoạt nơi bờ tre, gốc lúa ra với thành phố không phải là việc đơn giản. Rất nhiều người chỉ nghĩ đến việc bù đắp cho mẹ nào là ăn uống hay quần áo mà vô tình quên đi việc “tạo cho mẹ niềm vui” trong cuộc sống.
Rõ ràng, ngoài thói quen trong sinh hoạt và giao tiếp, làm sao để mẹ hòa nhập và vui vẻ, để mẹ bớt hờn dỗi, không có cảm giác tù túng, cô đơn ngay giữa con cháu mình là một việc không hề đơn giản. Phải là một quá trình kiên trì, cố gắng và nỗ lực.
Ở quê mẹ sống thoải mái, tự do, nhiều bạn già, có nhiều chỗ tụ tập như ra chùa, vào đền. Ăn uống cũng theo sở thích với các món quê. Rồi ở quê đám xá, giỗ chạp việc họp mặt, có người trò chuyện vui vẻ, nhưng khi ra thành phố, các cụ phải tự vận động tìm nguồn vui cho bản thân khi con đi làm, cháu đi học là một điều rất khó khăn với nhiều người.
Vậy nguồn giải trí cho mẹ từ đâu? Với cuộc sống công nghệ ngày nay, chiếc ti vi nối mạng internet sẽ giúp người già rất nhiều điều. Đủ các chương trình, văn, thơ, hò, vè, tuồng, chèo , cải lương, hướng dẫn ăn kiêng, phòng chống tiểu đường, hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp... có đầy trên mạng. Để mẹ tìm kiếm được thì phải kiên trì hướng dẫn.
Người ta nói, “người già như trẻ con” có lẽ là câu nói cực kỳ chính xác. Nếu có thể hãy cố gắng thực hiện quy tắc ba bước, thứ nhất là làm cho mẹ xem, thứ hai là cùng mẹ làm, và cuối cùng là để mẹ làm rồi kiểm tra. Tất cả những điều này sẽ khiến mẹ già có thể dễ hơn một chút để hòa nhập với cuộc sống hiện đại ngày nay và không có cảm giác lạc lõng, cô đơn.
Bên cạnh đó, ở các thành phố thường có các câu lạc bộ và công viên, nơi cũng rất nhiều các cụ ra đi tập thể dục và giao lưu. Chịu khó dẫn mẹ ra ngoài giới thiệu với hàng xóm. Rồi ra bắt quen với các cụ khác, người già như trẻ con, dễ chơi với nhau. Có gặp gỡ là sẽ có giao lưu, có giao lưu sẽ khiến niềm vui tự đến. Tăng cường làm các buổi liên hoan để mẹ phải tính toán và bận rộn lên, cúng giỗ đám xá cố gắng đưa về quê vài ngày cho thay đổi không khí.
Ngoài ra, để mẹ không thấy mình như người thừa trong gia đình thì phải để mẹ làm việc. Cứ quy tắc ba bước mà áp dụng, vệ sinh nhà cửa, cắm cơm, phơi, thu quần áo, nhặt hạt sen nấu chè…. Nói chung là cứ mỗi ngày giao một việc. Để cuối ngày về “khen” kết quả mẹ làm là phấn khởi lắm, không khí trong nhà vui vẻ hẳn…
“Ngày của mẹ” xin được đọc lại câu thơ khuyết danh: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”, như một lời tự răn lòng trong mỗi ngày mẹ còn bên ta…
Có thể bạn quan tâm
05:30, 09/05/2021
05:00, 09/05/2021