Đề nghị Chính phủ bổ sung thêm "tự chủ" vào phương châm phát triển

THY HẰNG 03/11/2020 16:32

Cho rằng không thể xây dựng kế hoạch tăng trưởng như cũ, Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thêm "tự chủ" vào phương châm phát triển, bên cạnh nhanh và bền vững.

Phát biểu tại phiên thảo luận chiều ngày 3/11, góp ý kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) bày tỏ, chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thêm

Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thêm "tự chủ" vào phương châm phát triển, bên cạnh nhanh và bền vững. 

"Có người gọi là đây là Đổi mới lần 2 để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển. Vì vậy giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa quyết định", Đại biểu nhấn mạnh.

Theo Đại biểu, chúng ta phải có những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi những vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi cần đổi mới cách đặt mục tiêu cũng như cơ chế, giải pháp thực hiện. 

Theo Đại biểu, giai đoạn 10 năm tới sẽ là thời gian quyết định liệu đất nước có cất cánh, có đạt được trình độ cần thiết và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không. "Nếu như loay hoay không cất cánh được hoặc cất cánh mà không đủ tốc độ, cao độ thì sau 10 năm, Việt Nam sẽ khó duy trì được tăng trưởng", Đại biểu Nghĩa nhận định.

Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, đại biểu Nghĩa cho rằng Chính phủ phải giải quyết hàng loạt bài toán về tăng trưởng, tài chính ngân sách, bảo vệ chủ quyền, nhà nước pháp quyền và đảm bảo quyền cũng như huy động sức dân. Trong đó, một yếu tố quan trọng là Việt Nam phải xây dựng những kế hoạch, đề án khả thi trong điều kiện "giai đoạn bình thường mới" đang diễn ra.

"Trên mỗi phương diện, chúng ta không thể xây dựng kế hoạch như cũ, phương thức thực hiện cũng không thể như trước. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thể hiện rõ trong kế hoạch 5 năm tới", Đại biểu Nghĩa nói và nhận xét, dịch bệnh có thể phá sản mọi dự tính, tham vọng của một nước phát triển, nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vươn lên, nếu có chiến lược phù hợp.

Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thêm "tự chủ" vào phương châm phát triển, bên cạnh nhanh và bền vững. Tự chủ, theo Đại biểu, là đặc thù của giai đoạn mới. Tuy nhiên, tự chủ cái gì, như thế nào sẽ còn phải bàn sâu nhưng Việt Nam phải rà soát lại các thành phần kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Đơn cử như du lịch, Đại biểu Nghĩa nói Nhật Bản đã đầu tư xét nghiệm COVID-19 tại sân bay cho 10.000 người, họ tiến tới mở cửa lại. Với Việt Nam, "chúng ta phải làm thế nào để khôi phục du lịch, bởi du lịch ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác".

Về xuất khẩu, vị đại biểu đề nghị không đặt mục tiêu như giai đoạn trước vì nhu cầu tiêu thụ, nhu cầu khách hàng đã thay đổi. Với thị trường trong nước, đại biểu nói cần có giải pháp khai thác tốt thị trường nội địa, bởi "cảm giác chúng ta còn lúng túng trong việc tìm hướng khai thác".

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 6-6,5% là phù hợp và khả quan

    10:32, 03/11/2020

  • Tìm động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới

    04:30, 24/10/2020

  • Kinh tế ASEAN tiếp tục suy giảm tăng trưởng

    01:00, 22/10/2020

  • VEPR hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020

    12:00, 21/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề nghị Chính phủ bổ sung thêm "tự chủ" vào phương châm phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO