VLA đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các Chương trinh phát triển năng lực thực tế, có quyết định về chính sách phát triển vận tải hàng hóa hàng không, hỗ trợ thực hiện đề án đội tàu biển.
>>>Logistics xanh là đòi hỏi và xu hướng tất yếu
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 và cạnh tranh địa chính trị gay gắt, biến đổi khí hậu, thiếu lương thực và nhiên liệu… đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên, ngành đã thể hiện sự chống chịu và thích ứng tốt vượt qua khó khăn để phát triển. Ngành đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới đạt kim ngạch xuất khẩu 700 tỷ USD năm 2022.
Hiện Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quốc tế và trong nước. Hiệp hội Doanh nghiệp dich vụ Logistics Việt Nam (VLA) có hơn 655 hội viên (tính đến hết tháng 11/2022).
Theo Ngân hàng thế giới, năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia Nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN (sau Singapore và Thái Lan) và là nước đứng đầu trong các nước mới nổi về phát triển dịch vụ logistics. Năm 2022, ngành đã khôi phục và phát triển tốt sau đại dịch Covid-19. Ngành có tốc độ phát triển từ 14%-16%/năm; tỷ lệ thuê ngoài khoảng 70%; chi phí logistics khoảng 16, 8% so với GDP; đóng góp vào GDP khoảng 4-5%. Năm 2022, ngành đã khôi phục và phát triển tốt sau đại dịch Covid-19.
Để Ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển theo như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra “Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics” và Quyết định 221/QĐ-TTCP ngày 22/2/2021 về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”, ông Khoa cho biết, trong thời gian tới Ngành sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính. Trước hết, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng của ngành từ 15%-20%/năm.
Xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố (Logistics Competitiveness Index - LCI) ) hàng năm, bắt đầu từ năm 2022. Chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics Việt Nam. Dự án Chỉ số LCI là sáng kiến của Hiệp hội VLA, do Hiệp hội VLA chủ trì thực hiện với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật từ VCCI, Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI). Công tác nghiên cứu, đánh giá sẽ được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ số LCI sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả góp phần giúp Việt Nam phát triển.
Triển khai việc chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn giao nhận vận tải thế giới năm 2025 (FWLC-2025) tại Thủ đô Hà Nội. Đây là cơ hội để doanh nghiệp logistics và xuất khẩu của Việt Nam có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới.
"Đồng thời đây là cơ hội khẳng định vị trí của ngành logistics Việt Nam nói riêng và quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Gián tiếp mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và phát triển du lịch của Việt Nam. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng, VLA đã bắt đầu lên kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ, tham gia của các Cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp…", ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, VLA tiếp tục thực hiện Chương trình logistics xanh, phục vụ nông nghiệp, đưa logistics đến với nông dân sản xuất. Trước mắt tập trung vào phát triển logistics xanh Đồng bằng sông Cửu Long. Logistics xanh mô tả tất cả các nỗ lực để đo lường và giảm thiểu tác động sinh thái của các hoạt động logistics. VLA sẽ tổ chức việc đưa vỏ rỗng Container xuống lấy hàng trực tiếp vận chuyển hàng container từ Cần Thơ – ĐBSCL bằng vận tải thủy nội địa và tàu biển đi TP HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu qua đó giảm thiểu việc chuyên chở bằng ô tô, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa giảm tai nạn thông bằng đường bộ. Hoạt động làm hàng ở các cảng biển và điều hành cảng biển sẽ thực hiện hoạt động xanh, năng lượng sạch, tránh ô nhiễm môi trường đi đôi với việc áp dụng công nghệ trong khai thác cảng biển.
Thúc đẩy, hỗ trợ cho việc phát triển dịch vụ logistics các tỉnh, thành, trong đó có việc hỗ trợ thành lập các Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics của địa phương như đã thực hiện tốt với Hải Phòng, trước mắt tập trung hỗ trợ việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Đồng bằng song Cửu Long (Liên Vùng 13 tỉnh, thành).
>>>Logistics xanh là đòi hỏi và xu hướng tất yếu
>>>"Đói đơn hàng" trầm trọng, doanh nghiệp logistics cần làm gì?
Cũng tại Diễn đàn, VLA đưa ra một số kiến nghị để Ngành dịch vụ logistics phục hồi và phát triển bền vững. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, đánh giá kết quả và phát triển Chương trình hành động quốc gia giai đoạn mới với hoàn thiện về tổ chức và nguồn lực triển khai, trong đó chú trọng các biện pháp vĩ mô như quy hoạch tổng thể phát triển ngành, tạo nên nền tảng phát triển dài hạn, thực tế. Triển khai xây dựng Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam cho thời gian 2025-2030.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các Chương trinh phát triển năng lực thực tế. Sớm có quyết định cụ thể về chính sách phát triển vận tải hàng hóa bằng đường hàng không. Hỗ trợ thực hiện đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam do Bộ GTVT trình nhằm phát triển đội tàu Container phục vụ cho việc chuyên chở hàng hóa, xuất nhập khẩu.
Thứ ba, đề nghị các địa phương thu xếp quỹ đất cho phát triển các Trung tâm dịch vụ logistics, xây dựng các Cảng cạn (ICD), các kho bãi làm hàng, nhất là các kho bãi cho dây chuyền cung ứng lạnh nhằm góp phần vào việc phát triển kết cấu hạ tầng logistics đáp ứng kịp thời yêu của sản xuất và xuất nhập khẩu đang gia tăng.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ ngành dịch vụ logistics nguồn vốn phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia hiện nay về logistics, Vì hiện nay các doanh nghiệp giao nhận, logistics thế hệ chuyển đổi số cần có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế. Để có thể cạnh tranh cần sớm triển khai các hệ thống có tính năng kỹ thuật cao hơn thông qua hình thức thuê phần mềm dịch vụ nhằm tham gia vào nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu hiện đang vận hành.
Thứ năm, đi song hành với chương trình chuyển đổi số và việc phát triển nguồn nhân lực Logistics chất lượng cao để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí logistics. Đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ ngành dịch vụ logistics trong việc đào tạo nguồn nhân lực cả về chuong trình đào tạo và nguồn kinh phí đào tạo.
Thứ sáu, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia, hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và ngành dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn giao nhận vận tải thế giới năm 2025 (FWC-2025) tại Thủ đô Hà Nội.
Thứ bảy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, thiết lập một đơn vị chuyên trách về công tác này để phối hợp đồng bộ các Bộ ngành, các địa phương cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có hiệu quả nhất trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia giai đoạn mới về phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics.
Có thể bạn quan tâm
11:32, 26/11/2022
09:39, 26/11/2022
04:00, 29/10/2022
07:38, 24/10/2022
04:15, 24/10/2022