Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa có văn bản thống nhất quan điểm với UBND tỉnh Hà Giang theo hướng cải tạo, chỉnh trang Mã Pì Lèng Panorama thành điểm dừng chân cho khách du lịch.
Bộ VHTT&DL nêu rõ hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở tầm nhìn của du khách.
Công trình chưa có đánh giá tác động môi trường do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.
Có thể bạn quan tâm
14:02, 14/10/2019
14:26, 12/10/2019
06:00, 12/10/2019
20:37, 09/10/2019
06:00, 09/10/2019
05:00, 06/10/2019
Về phương hướng giải quyết sai phạm, Bộ VHTT&DL thống nhất quan điểm với UBND tỉnh Hà Giang. Theo đó, công trình Mã Pì Lèng Panorama có thể được cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp.
"Điểm dừng chân phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa của đồng bào ở Hà Giang. Trước khi cải tạo phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật", công văn của Bộ VHTT&DL nêu.
Thực tế, ai đã qua Mã Pì Lèng mới có thể cảm nhận hết cả sự hùng vĩ và rợn gáy của hẻm vực sâu gần ngàn mét. Để hướng tới sự an toàn cho du khách, nhiều năm trước điểm dừng chân và đặt bia tưởng nhớ công lao của các thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc đã được xây dựng ở điểm cao nhất con đường qua Mã Pì Lèng.
Sau nhiều năm sử dụng, công trình đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng lượng khách du lịch. Một số chỗ ở điểm dừng chân còn nguy hiểm đối với du khách.
Theo Sở VHTT&DL Hà Giang, từ các khuyến nghị của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản để bảo vệ chính di sản, đồng thời phải đảm bảo sự an toàn cho du khách là điều cần phải thực hiện đối với một Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu. Từ đó, việc cải tạo, nâng cấp điểm dừng chân, vọng cảnh Mã Pì Lèng là điều rất cần thiết. Trên cơ sở đó, Sở tham mưu cho tỉnh cải tạo, nâng cấp hạng mục này.
Cho rằng quyết định cải tạo công trình Mã Pì Lèng Panorama là một phương án “hợp lý”, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam bày tỏ, việc xây dựng trạm dừng trên cung đường này là quyết định đúng đắn và nếu có bàn tay của kiến trúc sư với trách nhiệm cộng đồng sẽ giúp cho danh thắng Mã Pì Lèng đến gần hơn với mọi người.
Theo ông Tùng, Đèo Mã Pì Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc dài 200km từ TP Hà Giang đi Mèo Vạc. Với địa hình đồi dốc quanh co như vậy ở nhiều quốc gia họ làm những trạm dừng chân để có sự cố khách có thể nghỉ lại và đồng thời còn có những đoạn đường cứu nạn.
“Đã đến lúc cần làm quy hoạch không chỉ cho đèo Mã Pì Lèng mà làm quy hoạch với cả tuyến đường Hạnh Phúc để con đường không chỉ nối các vùng miền biên viễn mà còn giúp cho danh thắng Mã Pì Lèng đến gần hơn với mọi người. Đấy là phát triển bền vững” – ông Tùng bày tỏ.
Cũng theo ông Tùng, lúc này cần có cái nhìn rất bình tĩnh, đánh giá đúng mức. Không nên đẩy những vấn đề cho một chủ đầu tư mà các cơ quan chức năng Hà Giang, giới kiến trúc sư cần vào cuộc. Có nhiều phương án kiến trúc tạo điểm nhìn hài hoà với cảnh quan du lịch. Có thể cải tạo lại mặt đứng công trình cho thân thiện với môi trường đặc biệt phải đảm bảo an toàn công trình và an toàn cho người sử dụng.
Việc xử lý cũng phải đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật, chỗ nào sai phải dứt khoát sửa. “Chính quyền huyện Mèo Vạc (Hà Giang) phải dũng cảm nhận trách nhiệm không để thêm một Mã Pì Lèng rơi vào tình cảnh "sự đã rồi" - ông Tùng khẳng định.