Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn Bộ Tài chính đưa giải pháp siết doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng có văn bản gửi một số bộ ngành, cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… đề nghị phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện nội dung chuyên ngành theo chức năng quản lý nhà nước liên quan tới thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nhìn lại hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian vừa qua có thể thấy, hiện tượng doanh nghiệp mặc dù báo lỗ song vẫn mở rộng đầu tư không phải là trường hợp hiếm, tuy nhiên, để chứng minh được đó có phải là chuyển giá hay không thì cần rất nhiều thời gian và sử dụng nhiều phương án quản lý hiện đại.
Liên quan đến hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp, TS Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động chuyển giá là một trong các hành vi phổ biến trong đầu tư – kinh doanh quốc tế.
Theo đó, doanh nghiệp khi có cơ hội đều tìm cách chuyển giá, trốn thuế để thu lời, và như vậy, doanh nghiệp phải tìm mọi cách hợp thức hoá hành vi chuyển giá để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan thuế hải quan nhằm trốn thuế một cách hợp pháp.
Chuyển giá đã có từ lâu và không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chuyển giá ở Việt Nam là bởi doanh nghiệp có các điều kiện, công cụ để thực hiện hành vi ví dụ như khả năng cung cấp các sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp có vốn của họ tại Việt Nam, đặc biệt là khi các sản phẩm đó hoặc một số các sản phẩm đó họ độc quyền hoặc nắm bí quyết công nghệ sản xuất.
Họ đã có hệ thống thương mại – phân phối khép kín trong tập đoàn, giữa công ty mẹ và công ty con và giữa các công ty thành viên với nhau. Khi có kinh nghiệm đầu tư – kinh doanh lâu năm trên thị trường quốc tế có thể taọ ra các kế hoạch kinh doanh không lành mạnh để thực hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế phù hợp với thông lệ kinh doanh quốc tế mà cơ quan thuế, hải quan không dễ bắt bẻ...
Theo TS Phan Hữu Thắng, do việc trốn thuế có tính phổ biến, khó chặn như vậy, nên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Quốc tế (OECD) bao gồm hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có hướng dẫn về xử lý đối với chuyển giá trốn thuế từ nhiều năm qua. OECD đã khuyến nghị và nhiều nước đã áp dụng cơ chế thoả thuận định giá trước (APA) để quản lý chuyển giá trốn thuế. APA được các công ty đa quốc gia sử dụng phổ biến vì họ có thể tính toán được mức giá giao dịch giữa các bên liên kết.
Nói chung đối với các doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá trốn thuế hay nằm trong nghi vấn chuyển giá trốn thuế, giải pháp trong thời gian tới là hướng dẫn và khích lệ các doanh nghiệp thực hiện cơ chế APA và những vấn đề đã được xác định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên, "áp dụng cơ chế APA để ngăn chặn chuyển giá trốn thuế cũng không thể hiệu quả nếu đội ngũ cán bộ thuế, kiểm tra chuyển giá, vì một lý do nào đó sẽ bỏ qua một số nội dung, quy trình cần thực hiện theo cơ chế APA mà không bị giám sát, kiểm tra”, TS Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay Việt Nam cũng đã ký kết với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ về hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của hiệp định này là cơ quan thuế hai nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhau. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là vì lợi ích doanh nghiệp của nước họ, nên cơ quan nước ngoài thường chậm cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chưa kể những nền kinh tế chưa ký hiệp định tránh đánh thuế lần hai với Việt Nam, họ không chịu sự ràng buộc.
Vì vậy, TS Phan Hữu Thắng cho rằng, để đấu tranh chống chuyển giá hiệu quả hơn, cần phải có sự phối hợp hành động chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, thuế, thương mại, hải quan… ở trung ương và địa phương, thậm chí là cả thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài cũng phải vào cuộc.
Ngoài ra, cần phải thiết lập, xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến giao dịch của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Hơn thế, muốn chống chuyển giá hiệu quả, cơ quan thuế các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau.
Ở trong nước các cơ quan tổ chức cũng cần phối hợp với nhau, đánh động dư luận xã hội vì hành chi chuyển giá của một số doanh nghiệp sẽ để lại các hậu quả xấu trong hoạt động của khu vực FDI như làm thất thu ngân sách, cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép lên các doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế…