Việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng là 17% và 15%. Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất quy định và áp dụng phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ được kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp không xác định được thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
20:23, 25/06/2019
11:30, 17/05/2019
14:00, 15/05/2019
22:15, 14/05/2019
06:30, 24/07/2019
Theo Bộ Tài chính, việc xác định đối tượng doanh nghiệp để đề xuất giải pháp hỗ trợ cần phải dựa trên nguyên tắc, hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu NSNN, đặc biệt là tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Do đó, để đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, đặc biệt là khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp theo mục tiêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DNNVV thời gian qua, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh; doanh nghiệp có tổng doanh thu hàng năm không quá 03 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người (thuộc nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ); doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người (thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ).
Theo Bộ Tài chính, các chính sách được xây dựng nhằm đảm bảo sự thống nhất, bình đẳng giữa các đối tượng cùng đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, phù hợp với các chính sách đã áp dụng trong thời gian qua và thực tế hiện nay. Việc áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhằm tăng cường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất và đặc biệt là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hướng tới mục tiêu có 01 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng 715.000 doanh nghiệp. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp và trong số này, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm 65,52%; doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm 30,8% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm 3,67%. Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp dụng các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết này đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm (Trong đó, giải pháp miễn thuế trong vòng 02 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm; giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khoảng 6.500 tỷ đồng/năm). Và nếu tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết này áp dụng cả đối với doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu NSNN hơn 19.500 tỷ mỗi năm.
Mới đây Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 vào tháng 10 tới đây.