Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất lại gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng để hướng đến phát triển nhà ở xã hội.
>>> Nghịch lý nhà ở xã hội vừa thiếu vừa ế
Trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp dự kiến khoảng 2,4 triệu căn. Song, theo thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, qua 10 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ có 10 dự án được khởi công xây dựng mới, cung ứng ra thị trường khoảng 19.800 căn hộ cho công nhân, người thu nhập thấp.
Còn nhiều vướng mắc
Từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn, thanh khoản kém, hàng ngàn dự án dở dang. Đến quý III năm 2023, tình trạng này vẫn không chuyển biến, chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế…
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022) đã làm việc với từng địa phương, một số doanh nghiệp và chuyên gia để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp.
Theo HoREA, Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về “ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020” không có danh mục chi cho chính sách nhà ở xã hội trong 21 danh mục chi nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện cơ chế “tái cấp vốn” hoặc “cấp bù lãi suất" để các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Cho đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại hiện tại chưa thực sự ưu đãi.
Tính đến hết tháng 10 đã có 20 tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục 52 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, nhu cầu vay khoảng 25.800 tỷ đồng. Thế nhưng, con số giải ngân từ gói tín dụng đến nay rất thấp, chỉ khoảng 83 tỷ đồng.
Trên thực tế, gói lãi suất này lãi suất ưu đãi khoảng 7,7%/năm (với người mua, thuê nhà) và 8,2%/năm với chủ đầu tư xã hội. “Lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê nhà ở xã hội và chủ đầu tư nhưng thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi, do vẫn hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó. Thời gian ưu đãi cũng ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, gây bất an cho người vay", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Trong báo cáo mới này, HoREA cũng đã chỉ ra hàng loạt vướng mắc khiến chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê nhà ở xã hội trong nhiều năm qua, chưa được hưởng các chính sách vay ưu đãi theo chủ trương phát triển nhà ở xã hội vốn được triển khai từ năm 2015.
Gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội
Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022-2023) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).
Trước đó, vào tháng 2, gói 110.000 tỷ từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm, áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa và 25 năm. Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại là người mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
>>> Hà Nội đề xuất tăng lợi nhuận xây nhà ở xã hội lên 15-20%
Trong đó, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi.
Đối với nhà ở xã hội, nhà công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách cá nhân là người mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, giá bán 1 căn nhà ở xã hội, do được hưởng các ưu đãi về đất, thuế, nên thường sẽ rẻ hơn khoảng 1/3 so với các căn hộ khác cùng vị trí. Do đó, rất có thể sẽ xuất hiện những tình huống tiêu cực khi mở bán dự án. Những căn hộ có giá chỉ hơn 1 tỷ đồng, gần trung tâm nhưng vì nguồn cung hạn chế nên nhiều thông tin tiêu cực đã xuất hiện, điển hình như thông tin phải mất một khoản tiền nhất định mới có thể có một suất may rủi nhờ việc bốc thăm.
Trường hợp xuất hiện trên chỉ xuất hiện ở trung tâm thành phố và được hưởng lợi từ hạ tầng xung quanh. Còn tại những dự án cách xa trung tâm thành phố, đã có trường hợp được thông báo nộp hồ sơ mua nhà tới vài năm, mở bán không dưới 20 lần như vẫn ế khách. "Rất nhiều dự án nhà ở xã hội đã bị ế hàng. Chúng ta phải triển khai các khu đô thị nhà ở xã hội rất lớn và dành cho các tập đoàn lớn làm, chúng ta mới giải quyết được bài toán", ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 Group, cho hay.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị sớm có quyết định của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Nghị quyết này nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách. Các điểm nghẽn này đang khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội.
Trong khi nhu cầu của người dân cao, nguồn cung lại hạn chế thì chương trình xây dựng nhà ở xã hội là niềm hy vọng rất lớn để người dân có thu nhập thấp sở hữu nhà ở với giá thành rẻ. Do vậy, việc tái đề xuất khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cũng đặt niềm tin góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư, đồng thời người dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn.
Có thể bạn quan tâm