Mặc dù đánh giá cao tính cần thiết của Thông tư 10/2024, các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng lại gặp phải rất nhiều khó khăn do thời gian áp dụng gấp gáp.
Ngày 1/11/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD (Thông tư 10) về "Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng", có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024. Theo Bộ Xây dựng, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra; còn xảy ra tình trạng sản phẩm kém chất lượng được đưa vào các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng chất lượng công trình. Mặt khác, một lượng lớn hàng hóa hiện nay đang được lưu thông mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không rõ chất lượng. Việc ban hành Thông tư 10 nhằm tăng cường quản lý để ổn định thị trường vật liệu xây dựng.
Thông tư quy định danh sách các nhóm vật liệu xây dựng; phân biệt sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng không gây mất an toàn (nhóm 1) và sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Bộ Xây dựng (nhóm 2) để quy định phương pháp quản lý chất lượng phù hợp; quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trong các hoạt động sản xuất - xuất nhập khẩu - lưu thông trên thị trường - sử dụng. Đồng thời, quy định tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng; sàng lọc các sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt và chưa tốt để quản lý, xử lý vi phạm; chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng chất lượng công trình…
Mặc dù đánh giá cao tính cần thiết của Thông tư, các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng lại gặp phải rất nhiều khó khăn do thời gian áp dụng gấp gáp. Chỉ với hơn 3 tuần chuẩn bị kể từ khi ban hành đến khi có hiệu lực, doanh nghiệp cho rằng, họ không đủ thời gian để triển khai quy trình chứng nhận hợp quy theo phương thức 5.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Nam Hải, Chủ tịch Phân Hội - Hiệp Hội Gốm sứ Việt Nam (VIBCA), Chủ tịch Group Vật liệu xây dựng Miền Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước hiện có rất nhiều công hàng đang trên đường về Việt Nam, nếu Thông tư có hiệu lực ngay từ 16/12/2024 thì hàng sẽ khó có thể kịp thông quan, gây ách tắc tại cảng, khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn từ chi phí lưu công, lưu bãi.
“Vì vậy, Bộ Xây dựng nên xem xét gia hạn thời gian hiệu lực thêm ít nhất 3 tháng hoặc lý tưởng là 1 năm, để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị”, ông Lê Nam Hải đề xuất.
Được biết, hiện tại, một số doanh nghiệp đã có công văn kiến nghị gửi Vụ Vật liệu - Bộ Xây dựng đề xuất thay đổi thời gian có hiệu lực thông tư. Theo các doanh nghiệp này, để tuân thủ đúng theo nội dung Thông tư 10 các doanh nghiệp nhập khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, tại khoản 3 điều 8 của Thông tư quy định hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan phải căn cứ kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định nhưng Thông tư lại không có quy định và hiện nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn, chỉ định các đơn vị được làm chứng nhận hợp quy theo phương thức 5, trong khi thời điểm có hiệu lực thi hành của Thông tư còn hơn 20 ngày nên doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn để lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận hợp quy.
Quy trình triển khai chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 đối với hàng nhập khẩu được thực hiện qua nhiều bước, nhưng thời gian có hiệu lực từ 16/12/2024 là quá gấp để đáp ứng quy trình này. Tại thị trường Việt Nam, danh mục hàng hóa áp dụng theo Thông tư 10 đang được nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, thanh toán nhiều đơn hàng và hiện tại đang trong quá trình sản xuất nên với thời gian Thông tư có hiệu lực từ 16/12/2024 sẽ gây tổn thất lớn đến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm, xây sửa nhà cửa đang tăng cao.
Các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng nhấn mạnh, các quy định pháp luật đều nhằm mục đích chung là giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển nên khẩn thiết kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét thay đổi thời gian hiệu lực thêm 01 năm đối với Thông tư 10 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và tuân thủ theo quy định của Thông tư được hiệu quả nhất.
Trước những ý kiến đề xuất lùi thời hạn thực hiện Thông tư, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, đề xuất chủ yếu là các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng. Còn các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh lưu thông trên thị trường và sử dụng vật liệu xây dựng không có đề xuất lùi thời hạn thực hiện Thông tư.
Theo ông Thành, Thông tư 10 đã được ký ban hành và phổ biến rộng rãi từ ngày 1/11/2024. Theo đó, có 45 ngày trước khi Thông tư có hiệu lực để các doanh nghiệp nghiên cứu, thực hiện các điều khoản chuyển tiếp. Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng hoàn toàn có đủ thời gian để sử dụng các Giấy chứng nhận hợp quy còn thời hạn hoặc chuẩn bị các lô hàng hoàn thành thủ tục xuất khẩu tại các nước xong trước ngày 16/12/2024, sau đó vận chuyển hàng hoá về các cửa khẩu nước ta thậm chí sau một vài tháng vẫn được áp dụng theo các quy định trước đây.
“Vì vậy, đề xuất lùi thời hạn thực hiện Thông tư là không đủ cơ sở; việc triển khai Thông tư 10 đúng thời hạn sẽ giúp thị trường vật liệu xây dựng được ổn định, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng chất lượng tốt hơn và cũng như sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Thành khẳng định.