Mức thuế cao, được kỳ vọng sẽ khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến đồ gỗ, tuy nhiên, liệu có là “phản tác dụng” trong bối cảnh thiếu vùng nguyên liệu lớn?
Bộ Tài chính đang tiến hành tham vấn với các bộ, ngành liên quan và cân nhắc trình Chính phủ kế hoạch tăng thuế xuất khẩu dăm từ 2% hiện nay lên 5%.
Đánh thuế dăm gỗ có làm nguồn cung nguyên liệu dồi dào?
Chia sẻ với DĐDN, ông Lương Sơn Hải, Giám đốc Cty CPTM Lương Sơn (Phú Thọ) cho biết, địa bản tỉnh Phú Thọ có khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ. Tất cả doanh nghiệp này đều đang rất lo lắng trước đề xuất tăng thuế lên 5% của Bộ Tài chính.
“Đây là sản phẩm xuất khẩu chính của ngành, số thị trường nhập khẩu gỗ mảnh rất ít. Cùng với đó, nếu đánh thuế cao doanh nghiệp sẽ phải giảm giá thu mua nguyên liệu của người dân”, ông Lương Sơn Hải chia sẻ.
Cùng quan điểm, đại diện CTCP Lâm sản Pisico Quảng Nam cho hay, nguyên tắc kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ là giá bán trừ chi phí chế biến, chi phí xuất khẩu, thuế định mức…, còn lại là giá thu mua nguyên liệu.
Doanh nghiệp không thể chịu thuế để rồi phải chịu lỗ. Nếu tăng thuế, giá thu mua nguyên liệu sẽ giảm, người trồng rừng sẽ là người gánh chịu, đồng nghĩa với phong trào đẩy mạnh trồng rừng sẽ khó khăn hơn nhiều.
"Vậy, Nhà nước có nên đánh thuế để tạo nguồn cung nguyên liệu dồi dào hơn hay không? Chưa nói tới thị trường quốc tế, nhà nhập khẩu không bao giờ tăng giá mua cho Việt Nam để họ chịu lỗ", đại diện Cty Pisico đặt vấn đề.
Trong khi đó, chất lượng dăm của Việt Nam vẫn được đánh giá là kém hơn chất lượng dăm của các nước. Hiện tượng lẫn tạp chất, độ ẩm cao, ẩm mốc, hàm lượng xenluloza thấp trong dăm Việt Nam là tương đối phổ biến.
“Do đó, tăng thuế xuất khẩu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành dăm gỗ Việt Nam đối với các thị trường xuất khẩu dăm gỗ khác, vì phải bán với giá cao hơn mới đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, như vậy sẽ khiến khách hàng chuyển hướng sang thị trường khác. Hệ lụy là ngành dăm gỗ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể duy trì hoạt động và phát triển”, Giám đốc Cty Lương sơn nhận định.
Trước đó, việc áp thuế 2% năm 2016 đã từng làm doanh nghiệp trong ngành lao đao khi nhân cơ hội này khách hàng đè bẹp giá xuất khẩu dăm gỗ 3 năm liền.
Có thể bạn quan tâm
16:01, 09/07/2019
05:00, 20/07/2019
05:00, 29/06/2019
09:02, 28/11/2016
15:18, 19/09/2016
13:34, 25/08/2016
08:53, 21/08/2016
15:08, 23/06/2016
Cần đánh giá tác động chính sách
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, thời điểm này không nên tăng thuế bởi sẽ “đánh” vào người trồng rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến nghề rừng và sinh kế ở những huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, bà con, đồng bào dân tộc thiểu số với đại đa số là hộ nghèo và cận nghèo.
“Cùng với đó, dăm gỗ không phải sử dụng 100% từ gỗ tròn nguyên liệu mà dùng phế liệu nhiều hơn”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends – chuyên nghiên cứu, phân tích chính sách lâm nghiệp tại Việt Nam) cho rằng, vẫn chưa có bất cứ đánh giá nào về vai trò của thuế xuất khẩu dăm gỗ đối với việc chuyển dịch nguồn nguyên liệu và dịch chuyển trong sản xuất và xuất khẩu.
Điều này có nghĩa rằng, trước khi thay đổi mức thuế hiện nay, Chính phủ cần có những đánh giá khách quan về hiệu quả và tác động của thuế về các dịch chuyển trong các khâu theo kỳ vọng. Đánh giá cũng cần quan tâm đến khía cạnh tác động của thuế đối với sinh kế của các hộ trồng rừng.
"Không đạt được mục tiêu cốt lõi này sẽ làm giảm giá trị của chính sách thuế, hoặc thậm chí thuế có thể trở thành công cụ để chuyển một phần nguồn thu ít ỏi của hộ trồng rừng, bao gồm nhiều hộ nghèo, thành nguồn thu cho ngân sách. Điều này đi ngược lại với những kỳ vọng xóa đói giảm nghèo của Chính phủ", ông Phúc phân tích.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị nên giữ mức thuế xuất khẩu dăm gỗ 2% như hiện tại. Được biết hiện các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ khu vực Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hoá… đều đồng loạt gửi đơn kiến nghị không tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ lên mức 5%.