Mô hình trung tâm giao dịch bất động sản công do Nhà nước quản lý đang được Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm, hứa hẹn thay đổi cách vận hành thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng mới đây ban hành kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất nghiên cứu thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý, hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số.
Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất sẽ được thành lập ở cấp tỉnh, kết nối trực tuyến với các hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, xây dựng, đầu tư... Khi mô hình đi vào vận hành, người dân và doanh nghiệp chỉ cần truy cập website của trung tâm để thực hiện các thủ tục sang tên nhà đất.
Cụ thể, sau khi đạt thỏa thuận mua bán bất động sản, các bên liên quan điền thông tin và nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của trung tâm. Hồ sơ sẽ được xét duyệt trong vòng 2 ngày làm việc. Sau khi nhận được thông báo hoàn tất qua tin nhắn, người mua chỉ cần đến trung tâm một lần duy nhất để nhận giấy chứng nhận sở hữu.
Mô hình mới hướng tới việc xử lý các giao dịch bao gồm: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán bất động sản hiện hữu, nhà ở hình thành trong tương lai, cho thuê nhà ở, cho thuê lại… Toàn bộ quy trình được thực hiện công khai, số hóa và giám sát bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian thí điểm mô hình trung tâm giao dịch này dự kiến bắt đầu từ quý II năm nay, với kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt trong cải cách hành chính và minh bạch hóa thị trường bất động sản.
Trước đó, tại Công điện số 03 ban hành đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề án trung tâm giao dịch bất động sản công. Mục tiêu đặt ra là chấn chỉnh tình trạng thao túng giá, đầu cơ bất động sản, cũng như xử lý các hành vi lũng đoạn thị trường.
Mô hình giao dịch qua trung tâm nhà nước kỳ vọng loại bỏ tầng nấc trung gian không cần thiết, tăng tính công khai về giá, giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng và hạn chế tình trạng thổi giá, "làm giá" bất động sản. Đồng thời, với cơ sở dữ liệu liên thông, các giao dịch sẽ được kiểm soát chặt hơn, từ đó ngăn chặn tình trạng rửa tiền qua bất động sản và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường.
Hiện nay, một trong những điểm nghẽn lớn của thị trường là thủ tục hành chính phức tạp, thời gian kéo dài, mỗi bước giao dịch đều liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau như công chứng, thuế, đăng ký đất đai, xây dựng... Người dân mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để hoàn tất thủ tục sang tên. Đề xuất của Bộ Xây dựng hướng tới rút ngắn toàn bộ quá trình này xuống còn 48 giờ làm việc, nếu thí điểm thành công.
Đáng chú ý, trung tâm giao dịch bất động sản công không chỉ là nơi xử lý thủ tục, mà còn đóng vai trò cổng thông tin chính thức về thị trường. Các giao dịch sẽ được công khai giá bán, loại hình bất động sản, chủ thể tham gia… giúp người dân và nhà đầu tư có thông tin đối chứng, tránh bị nhiễu loạn bởi tin giả, giá ảo.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về nội dung trên, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ tác động tích cực đến thị trường, góp phần quản lý, giám sát một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn thị trường bất động sản thay vì chỉ dừng lại ở sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai và đất nền dự án như hiện tại.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng muốn sàn giao dịch quyền sử dụng đất thực sự phát huy được tác dụng, không chồng chéo, gây phát sinh thêm các thủ tục hành chính phức tạp cho người dân, cần phải có một quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Trong đó, cần giải quyết các câu hỏi việc giao dịch thông qua sàn giao dịch quyền sử dụng đất là khuyến khích hay bắt buộc? Nếu bắt buộc liệu có cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân hay không? Nếu không bắt buộc, cần xây dựng cơ chế vận hành như thế nào để khuyến khích người dân tham gia?
Bên cạnh đó, chỉ thành lập ra sàn giao dịch quyền sử dụng đất rồi để đó tự vận hành hay có cần gắn thêm vào hoạt động của các môi giới để đảm bảo hoạt động qua sàn được sôi nổi không? Nếu có cần kiểm soát hoạt động của các đối tượng này như thế nào để đảm bảo không gây tiêu cực, đầu cơ, lũng đoạn cho thị trường?
Không những vậy, sàn giao dịch sẽ được thành lập ở cấp nào? Chỉ trung ương hay tại từng địa phương? Nếu chỉ ở Trung ương liệu có đảm bảo tính thuận lợi và dễ dàng tiếp cận của người dân không? Nếu tới từng địa phương thì nhân sự tại các địa phương có đảm bảo đủ người, đủ chuyên môn để vận hành không? Cơ quan nào sẽ quản lý, giám sát việc thành lập và hoạt động của các sàn này?
"Hoạt động của sàn liệu có gì xung đột hay trùng lặp với công chứng? Sau khi giao dịch qua sàn rồi, có phải thực hiện công chứng nữa không? Hay có thể kết hợp để người dân đỡ mất thời gian đi nhiều nơi và thực hiện nhiều thủ tục?" - ông Đính đặt câu hỏi.