Việc thu phí ôtô vào Trung tâm TP để đầu tư hạ tầng giao thông là cần thiết, song để giảm kẹt xe e rằng không khả thi, bởi, phương tiện vào Trung tâm TP là nhu cầu thực của người dân và doanh nghiệp.
Phí chồng phí…
Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất với UBND TP chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP với 34 cổng thu phí tự động không dừng, tổng kinh phí dự kiến 250 tỉ đồng nhằm hạn chế phương tiện vào trung tâm TP và giảm kẹt xe vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp “Nếu việc thu phí nhằm tăng thu ngân sách để đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông trong nội ô thì có thể chấp nhận được, tuy nhiên nói để giảm kẹt xe e rằng không khả thi, bởi những phương tiện vào trung TP là nhu cầu thực tế và hàng ngày của người dân và doanh nghiệp”.
Việc kẹt xe bắt nguồn từ việc lưu lượng phương tiện tham gia giao thông bao gồm cả ô tô, xe máy và các phương tiện khác với số lượng lớn nhưng hạ tầng giao thông hẹp, thiếu đồng bộ đã dẫn tới tình trạng kẹt xe. Do đó, thu phí để giảm kẹt xe là không có cơ sở vì đây là nhu cầu thiết của người dân. Còn nhớ, nội dung đề xuất này đã từng được đưa ra trước đó để bàn thảo nhiều năm qua, thế nhưng lần này Sở GTVT lại tiếp tục đề xuất với UBND TP để chấp thuận chủ trương sẽ tạo ra tâm lý, gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp về lối lo phí chồng phí.
... và “lợi bất cập hại"
Ông Nguyễn Chí Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Vận tải Phượng Hoàng, nhận định: Trên thực tế, các doanh nghiệp vận tải hiện nay đã phải gánh rất nhiều chi phí cho bảo hiểm, quỹ bảo trì đường bộ, trạm thu phí BOT từ Bắc tới Nam rồi khắp các tỉnh thành phố trong cả nước. Những khoản phí này đã đẩy chi phí giá thành sản phẩm lên cao và đang trở thành gánh nặng của doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và ngày càng khốc liệt với các đối thủ cùng ngành nghề, chưa kể việc tăng giá xăng dầu nhưng giá thành vận chuyển không dám tăng để giữ mối khách hàng. Có thể nói, việc tăng các khoản phí đường bộ trong thời gian vừa qua đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp vận tải thường xuyên phải bù lỗ, làm cầm chừng và đứng trước nguy cơ phá sản là điều rất có thể.
Vì vậy, nếu TP lại thu thêm phí khi đi vào trung tâm đối với các phương tiện có nhu cầu hàng ngày của doanh nghiệp sẽ vô tình đẩy doanh nghiệp vào thế khốn cùng do tốn thêm một khoản chi phí rất lớn, dẫn tới giảm sức cạnh tranh. Từ áp lực này dẫn tới gánh nặng đè trên vai doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng hóa ra vào trung tâm, chưa kể việc tính khả thi của đề án này “liệu có giảm được tình trạng kẹt xe hay không nhưng trước mắt là doanh nghiệp bị rơi vào thế phí chồng phí “lợi bất cập hại” là điều rất đáng bàn. Do đó, Sở GTVT và các cơ quan ban ngành TP.HCM, cần phải bàn kỹ, tổ chức các buổi lấy ý kiến người dân doanh nghiệp, các chuyên gia trước khi làm - Ông Hoàng đề xuất.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Nguyễn Hữu Vinh - Giám đốc Công ty Vận tải Nhật Quang, cho rằng: Nếu việc thu phí để tăng ngân sách và đầu tư cho hạ tầng là mục tiêu quốc gia thì doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ, tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, gánh nặng trên vai doanh nghiệp phải chịu đựng đã ở ngoài mức có thể.
"Việc tăng thu phí BOT, xăng dầu, phí bảo trì đường bộ và các khoản chi phí không chính thức là một trong những áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp vận tải, bởi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết là làm cầm cự, công không và gần như không có lãi" - Ông Vinh nói.
Phải minh bạch…
Cũng theo ông Vinh, việc thu phí ôtô vào trung tâm TP nhiều nước trên thế giới đã thực hiện với mục tiêu giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong điều kiện hạ tầng giao thông trở nên quá tải. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù ở Việt Nam nếu áp dụng thu phí vào trung tâm lại là câu chuyện khác hoàn toàn do tính chất đặc thù về hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông (xe máy nhiều hơn ô tô, đường hẹp, thiếu đồng bộ).
Do đó, nếu chúng ta tính toán không kỹ sẽ dẫn tới tình trạng giảm chỗ này, kẹt chỗ kia, câu chuyện cầu vượt qua các ngã 3 ngã tư là một ví dụ điển hình, cụ thể: Cầu vượt ở các điểm ngã 3, ngã tư được thực hiện nhằm giảm ách tắc do các điểm giao nhau giữa các tuyến đường nhưng đoan tiếp nối với cầu vượt không được thông, bị bó hẹp, thì rõ ràng câu chuyện giảm kẹt xe chưa thực sự đồng bộ.
Vấn đề ở đây là nếu thực hiện thu phí phải có lộ trình, mục tiêu cụ thể, phải tính toán mức phí thu sao cho phù hợp, đặc biệt cần phải công khai minh bạch khoản phí thu được chỉ dùng cho công tác “chống ùn tắc”, tránh tình trạng sử dụng sai mục đích giống như “phí bảo trì đường bộ” (phí bảo trì đường bộ sau khi thu được lại chỉ rót về cho địa phương 35%, số còn lại sử dụng vào việc khác), là không chấp nhận - Ông Vinh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
13:39, 01/05/2019
05:00, 14/02/2019
01:52, 11/02/2019
07:00, 12/11/2018
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, cho biết: Đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM chỉ là một hạng mục trong tổng thể của đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.
Đây cũng là một trong những nội dung được đề cập trong kế hoạch thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 được UBND TP ban hành. Hiện nay, các giải pháp này đều được nghiên cứu thực hiện song song để đảm bảo rằng khi tổ chức thu phí vào trung tâm thì vận tải hành khách công cộng, kể cả metro cũng như các không gian đi bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.
"Ngay cả đề án tổ chức thu phí, chúng tôi cũng chỉ mới xin chủ trương nghiên cứu cụ thể. Các thông tin đưa ra như lập vành đai xung quanh các tuyến đường khu vực Quận 1, 3, 5, 10 cũng như tổ chức 34 cổng thu phí không dừng... chỉ là những thông tin ban đầu. Khi UBND TP chấp thuận chủ trương thì sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp triển khai cụ thể hơn nữa", ông Đường nói.
Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện có 28 điểm nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, trong đó trọng điểm là 3 cụm: khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái và khu vực trung tâm TP, nhiều tuyến đường đã vượt quá khả năng thông hành vào giờ cao điểm. Trong khi đó, khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất đã và đang triển khai các giải pháp công trình như cầu vượt, hầm chui, mở thêm đường nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc. Nhưng đối với khu vực trung tâm, việc đầu tư công trình rất khó nên giải pháp giảm ùn tắc bằng biện pháp phi công trình như thu phí là khả thi. Tính đến tháng 6-2019, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn TP là 4.366km, tỉ lệ đất dành cho giao thông chỉ ở mức 9,02%. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông tiếp tục tăng, tổng phương tiện đang quản lý hơn 8,9 triệu chiếc bao gồm: 825.343 ôtô (tăng 15,99%) và 8.120.303 môtô (tăng 6,14%). |