Chuyên gia đề xuất Chính phủ xem xét đầu tư xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực có trình độ cao, trọng điểm quốc gia ở cả 3 miền đảm bảo nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp ngành logistics.
>>>Năm kiến nghị khôi phục chuỗi cung ứng doanh nghiệp ngành logistics
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, ngành logistics cần phải có giải pháp duy trì sự chống chịu bền bỉ, vừa phải có tư duy tầm nhìn định hướng đặc biệt.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nghiên cứu năm 2021 của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong top 10 của chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14 - 16% trong một năm.
“Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận tải biển tăng cao, trực tiếp khiến logistics toàn cầu bị ảnh hưởng. Trên thực tế, dưới tác động của dịch Covid-19, những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao, ước chiếm hơn 20% tổng GDP quốc gia, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới đang dao động ở mức 11-12% GDP”, ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo ông Tuấn Anh, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics – doanh nghiệp sản xuất – doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu và chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam với quy mô lớn, có khả năng dẫn dắt thị trường để thúc đẩy ngành phát triển.
Hơn nữa, chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực của ngành còn yếu mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của thị trường và chưa theo kịp được sự phát triển của logistics trên thế giới.
Bên cạnh đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ, cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận việc dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia vào hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn chưa cao.
Theo đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bối cảnh này đặt ra yêu cầu ngành logistics phải có giải pháp để duy trì sự chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong duy trì các chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ, vừa phải có tư duy tầm nhìn định hướng đặc biệt.
Theo ông Trần Tuấn Anh: "Việc phát triển ngành logistics và nguồn nhân lực của ngành không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành công thương, mà cần có sự vào cuộc kịp thời và có hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp".
Đồng tình với chia sẻ của Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam, năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao.
Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
“Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Bộ trưởng nhận định.
Đề cao nguồn nhân lực cho logistics là nhân tố nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho biết, thời gian qua, các nhà quản lý cũng như các trường Đại học, Cao đẳng và các cơ sở đào tạo luôn nỗ lực tạo ra đội ngũ nhân sự logictics có chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển của ngành và giúp cho các doanh nghiệp logistics tối ưu hóa các hoạt động, các phương án kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bám sát 7 nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển logistics Việt Nam, ông Chương đề xuất kế hoạch để rà soát, sắp xếp quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục Đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về lĩnh vực logistics, làm sao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của thị trường nhân lực trong cả nước cũng như của từng vùng và từng địa phương.
Đặc biệt, Chính phủ có thể xem xét dành một khoản kinh phí cho giáo dục đào tạo đối với chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời xem xét đầu tư xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực có trình độ cao, trọng điểm quốc gia ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam để hướng tới đào tạo chuyên sâu nhân sự các cấp độ vận hành và quản lý, góp phần nâng cao trình độ nhân lực logistics để có thể đáp ứng được sự phát triển ngày càng nhanh chóng của lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm
15:50, 14/12/2021
16:16, 11/12/2021
15:45, 08/12/2021
01:04, 03/12/2021